Huyện Phú Lương có hơn 100,4 nghìn nhân khẩu, trong đó số người trong độ tuổi lao động là trên 71,6 nghìn người (chiếm khoảng 71% tổng dân số toàn huyện), do vậy, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm luôn được cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện quan tâm sát sao.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020, tháng 9-2016, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Phú Lương giai đoạn 2016-2020. Để thực hiện hiệu quả Đề án này, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tổ chức chính trị xã hội tại các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề; điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động theo từng lĩnh vực, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Trên địa bàn huyện có 1 cơ sở đào tạo nghề là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, nhưng lực lượng giáo viên cơ hữu của Trung tâm chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề ngày càng đa dạng của lao động nông thôn hiện nay; cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề còn thiếu. Vì thế, những năm vừa qua, huyện đã đẩy mạnh phối hợp với cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh để triển khai dạy nghề tại địa bàn. Giai đoạn 2016 - 2019, đã có hơn 4 nghìn lao động trên địa bàn được đào tạo nghề. Trong đó chủ yếu là kỹ thuật chế biến và bảo quản chè; nuôi ong lấy mật; phòng và điều trị bệnh cho gia cầm; may công nghiệp; kỹ thuật xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp; chế biến món ăn… qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng lao động tại địa phương.
Đi liền với đào tạo, huyện cũng chú trọng chỉ đạo các phòng chuyên môn, cơ sở đào tạo trên địa bàn liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong và ngoài huyện để giải quyết việc làm cho học viên sau khi hoàn thành chương trình học. Anh Trịnh Văn Tường, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cho biết: Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, chúng tôi cũng không ngừng phối hợp cung ứng lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Từ năm 2016 đến 2019, Trung tâm đã tổ chức được 18 lớp đào tạo nghề cho gần 500 học viên. Học viên sau khi hoàn thành chương trình học đều có cơ hội làm việc tại bếp ăn của các trường học trên địa bàn huyện, công ty TNHH Shints BTV, Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG…
Bằng các giải pháp triển khai đồng bộ thông qua những cơ chế, chính sách mới, linh hoạt đã góp phần đưa chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại Phú Lương đạt hiệu quả cao. Giai đoạn 2016 - 2019, trong tổng số trên 4 nghìn lao động được đào tạo thì tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo đạt 80%. Công tác đào tạo nghề đã góp phần vào việc thực hiện chỉ tiêu giải quyết việc làm được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015- 2020. Theo Nghị quyết, trung bình mỗi năm huyện phấn đấu tạo việc làm cho khoảng 1.800 lao động. Nhưng hàng năm, tỷ lệ lao động được tạo việc làm mới trên địa bàn luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Riêng năm 2019, huyện đã tạo việc làm mới cho hơn 2 nghìn lao động, bằng 111% kế hoạch năm. Thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn dự ước khoảng 33 triệu đồng/người/năm (tăng so với năm 2016 khoảng 7 triệu đồng/người/năm); giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,54% (năm 2016) xuống còn 4,12%.
Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo nghề để nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất; đẩy mạnh tư vấn, phân luồng học sinh sau khi học trung học cơ sở vào học nghề…