Với mong muốn giúp người dân được trang bị kiến thức về mọi mặt, góp phần tăng hiệu suất lao động, giải quyết vấn đề việc làm, các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) đã được hình thành tại các xã, thị trấn của huyện Đại Từ. Tuy nhiên, để TTHTCĐ phát huy được hiệu quả, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, kinh phí…
TTHTCĐ là cơ sở giáo dục thường xuyên do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý và chịu sự chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ của phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Với nhiệm vụ tạo điều kiện để người dân ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên. Theo số liệu thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Đại Từ, toàn huyện có 30 TTHTCĐ. Năm học 2018-2019, huyện đã mở được trên 390 lớp học tại TTHTCĐ với trên 29.000 lượt học viên tham gia. Nội dung học tập chủ yếu là phổ biến kiến thức pháp luật, kinh tế - xã hội, nông - lâm - ngư nghiệp… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của mô hình học tập này vẫn còn không ít khó khăn.
Ông Đặng Quý Toản, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Giám đốc TTHTCĐ xã Cù Vân cho hay: “Trung bình mỗi năm, Trung tâm có từ 10-12 lớp học tập với số lượng học viên từ 4550 người/lớp. Trước khi xây dựng kế hoạch học tập hàng năm, Ban quản lý Trung tâm sẽ xuống từng xóm để khảo sát nhu cầu học tập của người dân”. Mặc dù Ban Quản lý Trung tâm đã rất nỗ lực, các lớp học được người dân hưởng ứng tham gia, thế nhưng điều mà ông Đặng Quý Toản luôn trăn trở là kinh phí để duy trì hoạt động của TTHTCĐ. Mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/năm từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động của TTHTCĐ là quá ít ỏi, không đủ để chi trả cho các hoạt động hay mua sắm tài liệu, trang thiết bị. Lực lượng của TTHTCĐ lại mỏng nên việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia phải nhờ tới Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã…, khiến hoạt động của TTHTCĐ còn khá mờ nhạt, chưa thể hiện rõ vai trò của mình.
Đây cũng là khó khăn chung của nhiều TTHTCĐ trên địa bàn huyện. Trong tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương là 20-25 triệu đồng/TTHTCĐ/năm, mỗi trung tâm đã chi trả phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ tham gia quản lý TTHTCĐ theo hệ số từ 0,15-0,2 mức lương tối thiểu/người/tháng, số còn lại dành cho hoạt động học tập. Kinh phí hoạt động không nhiều nên chương trình, nội dung và hình thức tổ chức của một số TTHTCĐ vẫn còn đơn điệu, sơ sài. Hiện tại, các TTHTCĐ ở Đại Từ đều không có trụ sở riêng, hầu hết đều phải học nhờ nhà văn hoá xã. Ông Vũ Văn Cậu, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Văn Yên, Phó Giám đốc TTHTCĐ xã cho hay: Hội trường của UBND xã thường diễn ra khá nhiều hoạt động, do vậy khi Trung tâm muốn tổ chức giảng dạy cần phải có kế hoạch và thông báo trước mới bố trí được.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến khó khăn trong việc phát triển hoạt động của các TTHTCĐ là cơ cấu bộ máy quản lý các TTHTCĐ. Cán bộ của trung tâm đều làm việc kiêm nhiệm, hay thay đổi vị trí công tác, nhiều cán bộ còn thiếu kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để quản lý, điều hành mô hình TTHTCĐ.
Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng, các quy định phối hợp trong hoạt động của TTHTCĐ đã làm “khó” đơn vị giáo dục. Cụ thể, theo Thông tư số 40/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 thì căn cứ nhu cầu thực tế và nguồn lực của giáo viên ở địa phương, phòng GD&ĐT xem xét quyết định việc bố trí giáo viên trường tiểu học hoặc THCS làm việc tại TTHTCĐ. Tuy nhiên, việc bố trí là rất khó, không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của giáo viên phổ thông bởi hiện tại, các TTHTCĐ trên địa bàn chủ yếu là bồi dưỡng, tập huấn nghề nghiệp; nhu cầu học tập xóa mù chữ là không còn nữa.
Trước thực tế đó, nhằm nâng cao chất lượng của các TTHTCĐ trên địa bàn, ông Trần Đăng Minh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đại Từ cho rằng: Việc bố trí giáo viên thuộc biên chế của các trường tiểu học, THCS sang làm việc tại TTHTCĐ xã, thị trấn trên thực tế là rất khó thực hiện. Vì thế, thiết nghĩ các địa phương có thể cân đối trong biên chế công chức cấp xã để có ít nhất một biên chế chuyên trách cho TTHTCĐ, gắn hoạt động của TTHTCĐ với nhiệm vụ của phòng, ban chức năng của xã. Ngoài ra, có thể đưa TTHTCĐ về các nhà văn hóa xóm ở khu vực trung tâm để hoạt động, nhằm tiết kiệm chi phí, tận dụng được cơ sở vật chất…
Việc duy trì TTHTCĐ tại các xã, thị trấn là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Tuy nhiên, để mô hình này phát huy hết vai trò của mình cần thiết có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn trong việc tháo gỡ những khó khăn nêu trên.