Giúp chị em khởi nghiệp làm giàu

08:55, 05/03/2020

Xác định “Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phong trào phụ nữ, thời gian qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh đã không ngừng phát huy nội lực, tinh thần trách nhiệm trong việc huy động các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.   

Chị Lê Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh thông tin: Để giúp đỡ phụ nữ phát triển kinh tế, chỉ nội lực từ các hội viên là không đủ. Do đó, chúng tôi đã đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để giúp đỡ phụ nữ, từ tiền vốn, cây, con giống đến khoa học kỹ thuật... Năm 2019, tổng các nguồn vốn do các cấp hội quản lý là 2.892 tỷ đồng, cho 77.456  người vay. Trong đó, bao gồm nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó, Hội duy trì và phát triển các chương trình tài chính vi mô, vận động tiết kiệm, như: Dự án Quỹ quay vòng vốn vệ sinh hộ gia đình, dự án Misereor; Dự án Ngày Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo; Dự án Phát triển làng xã, mô hình tín dụng tiết kiệm thôn bản…

Bên cạnh đó, để giúp hội viên phụ nữ có thêm nhiều kiến thức để vận dụng vào thực tiễn, các cấp hội đã triển khai nhiều hoạt động, như: Chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ kiến thức, vốn vay lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, giúp ngày công, con giống, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các hội thảo, các buổi tham quan các mô hình hoạt động hiệu quả... Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh các chương trình hợp tác với các ngành, đơn vị nhằm hỗ trợ nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, nhân lực giúp đỡ các mô hình phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, mô hình nông nghiệp an toàn... Kết quả, năm 2019, toàn tỉnh có 497 phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo. 

Một trong những điển hình về huy động các nguồn lực giúp phụ nữ phát triển kinh tế đó là Hợp tác xã (HTX) Nông sản an toàn Yên Đổ (Phú Lương). Được sự hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ, tháng 12-2017, 43 chị em trong xã đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông sản an toàn Yên Đổ, phát triển đa dạng các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, HTX đang phát triển đa dạng các mô hình: Chăn nuôi bò, trồng và chế biến chè an toàn VietGAP, trồng rau theo hướng hữu cơ, chăn nuôi gà an toàn. Sản phẩm của HTX được giới thiệu ở nhiều cửa hàng nông sản thuộc hội LHPN các cấp cũng như hệ thống cửa hàng nông sản sạch ở nhiều địa phương. Chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX cho biết: Nhờ huy động được nguồn lực tổng hợp từ vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất và sự đồng lòng của các thành viên, đến nay, hoạt động của HTX đã đi vào ổn định. Chúng tôi hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động và trên 20 lao động thời vụ. 

Không chỉ huy động sự đóng góp từ các hội viên, các cấp hội LHPN trong tỉnh còn huy động nhiều nguồn lực khác giúp phụ nữ phát triển kinh tế. Chị Dương Thị Hợp, Chủ tịch Hội LHPN xã Cây Thị (Đồng Hỷ) cho hay: Chỉ tính riêng năm 2019, Hội đã giúp cho 65 hội viên vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng số tiền trên 4,7 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Tận dụng các chương trình ưu đãi phát triển kinh tế, Hội đã giúp đỡ 18 hội viên vay tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng để trồng rừng, cải tạo chăm sóc rừng và chè; hướng dẫn 8 hội viên vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp với tổng số vốn 1 tỷ đồng để thực hiện mô hình chăn nuôi, trồng rừng...

Chị Trần Thị Hồng, hội viên phụ nữ xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị, chia sẻ: Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2016, tôi đầu tư trồng chè cành. Mỗi năm, cây chè đem lại thu nhập cho gia đình tôi trên 100 triệu đồng.

Không chỉ ở Yên Đổ và Cây Thị, đời sống của phụ nữ nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng dần được cải thiện đáng kể nhờ các nguồn lực hỗ trợ của hội LHPN. Thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát, phân loại đối tượng để có cách hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho chị em vay các nguồn vốn ưu đãi,  mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội LHPN các cấp sẽ thành lập các tổ tiết kiệm để tạo nguồn quỹ giúp đỡ lẫn nhau; giúp cây, con giống; nhận giúp hộ nghèo có địa chỉ…