Từ nhiều năm nay, trên địa bàn T.P Thái Nguyên, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (Phong trào) được đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng. Phong trào huy động được nhiều nguồn lực trong nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần cùng các cấp, ngành thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Theo bà Lê Lan Quyên, Trưởng Phòng Văn hoá Thông tin Thành phố: T.P Thái Nguyên có 21 phường, 11 xã; trên 80.000 hộ. Để Phong trào phát triển sâu, rộng trong nhân dân, ban chỉ đạo Phong trào các cấp thường xuyên được kiện toàn, đặc biệt là đội ngũ ban công tác Mặt trận xóm, tổ dân phố. Họ trực tiếp tập hợp được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; vận động mọi người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại cơ sở.
Từ triển khai Phong trào, 100% xã, phường của Thành phố đã xây dựng được mô hình điểm các cấp, trong đó có 32 mô hình cấp tỉnh và thành phố; gần 400 mô hình cấp xã, phường với nội dung hoạt động, như: “Khu dân cư đoàn kết xây dựng tuyến phố văn minh, đảm bảo mỹ quan đô thị” gắn với Đề án Xây dựng tuyến phố văn minh, đô thị thành phố; “Khu dân cư tự quản đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống ma túy, phòng chống tệ nạn xã hội” gắn với Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Khu dân cư đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, khuyến khích làm giàu chính đáng” gắn với nội dung Đề án Giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân của Thành phố; “Khu dân cư toàn dân tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo vệ sinh môi trường, thu gom rác thải để đúng nơi quy định” gắn với nội dung Đề án Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn… Ngoài các mô hình này còn có 470 mô hình tự quản ở tổ dân phố gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đặc biệt, có 13 tuyến phố thuộc 7 tuyến đường chính đô thị được công nhận tuyến phố văn minh đô thị. Tại nhiều xóm, tổ dân phố, người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, trồng hoa 2 bên đường tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Kết quả triển khai xây dựng mô hình điểm ở khu dân cư đã làm chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi tham gia Phong trào.
Để Phong trào lan toả sâu rộng trong nhân dân, Ban Chỉ đạo Phong trào Thành phố chỉ đạo cho các cấp, ngành, cơ sở tăng cường hoạt động phối hợp; đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến các nội dung Phong trào qua hệ thống loa truyền thanh của khu dân cư; bằng pano, khẩu hiệu, tờ rơi và các hoạt động văn hoá, văn nghệ; thông qua phong trào thể dục - thể thao ở cơ sở… Từng nội dung Phong trào được cụ thể hoá, dễ nhớ, dễ thực hiện. Chính vì vậy mà từ nhiều năm gần đây, hầu hết các hộ dân tại các khu dân cư, tổ dân phố, xóm... đều tích cực đăng ký tham gia Phong trào, vận động nhau cùng chấp hành nghiêm chỉnh quy ước, hương ước cũng như các quy định pháp luật của Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng tích cực đăng ký tham gia Phong trào. Bằng cách gắn kết với Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá với tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; Xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”; “Xanh sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; “Xây dựng cơ quan, công sở, môi trường làm việc không khói thuốc”...
Ông Vũ Hồng Khiêm, Phó Phòng Văn hoá - Thông tin Thành phố cho biết: Cùng thời gian, Phong trào đã “ăn sâu, bén rễ” vào lòng người, củng cố vững chắc thêm niềm tin của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi người dân vào sự đổi mới của Đảng, Nhà nước. Hằng năm, việc bình xét danh hiệu gia đình; xóm, tổ dân phố; cơ quan văn hoá được thực hiện công khai, rõ ràng, không thiên vị, nên chất lượng Phong trào ngày càng được nâng cao. Năm 2019, Thành phố có 77.738/81.002 hộ; 610/633 xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Các xã: Cao Ngạn, Tân Cương, Quyết Thắng đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; 97% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá.