Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ luôn được Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Lâu Thượng (Võ Nhai) chú trọng. Bởi vậy, những năm qua, Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Chị Hoàng Hà Linh, Chủ tịch Hội LHPN xã Lâu Thượng cho biết: Hiện nay, Hội có 552 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 11 chi hội, trong đó phần lớn các chị đều sản xuất nông nghiệp, rất cần hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Từ đặc điểm này, hằng năm, Hội LHPN xã đều phối hợp rất tốt với các ngân hàng nhận ủy thác nguồn vốn cho hội viên vay để phát triển kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ cho vay từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngân hàng khác là gần 31 tỷ đồng, với 389 hội viên vay vốn. Hội cũng đã chỉ đạo các chi hội vận động hội viên phụ nữ xây dựng quỹ tiết kiệm được trên 410 triệu đồng cho chị em vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.
Chị Hoàng Thị Công, dân tộc Mông, hội viên Chi hội Phụ nữ xóm La Mạ cho biết: Hai vợ chồng tôi cũng chăn nuôi trâu, bò sinh sản và thịt đã lâu nhưng với quy mô nhỏ. Năm 2019, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Phụ nữ, gia đình đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội, cộng với số tiền tích cóp mấy năm nay để mua thêm trâu, bò giống và làm lại chuồng trại sạch sẽ hơn. Đến nay, gia đình đang nuôi 4 con trâu, 1 con bò thịt. Dự kiến, sau khi vỗ béo và bán, mỗi con trâu sẽ lãi trên 10 triệu đồng. Ngoài việc được tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng, vợ chồng tôi cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm, chia sẻ của tổ chức Hội Phụ nữ. Điều này đã giúp tôi thêm tự tin tập trung vào sản xuất.
Cùng với việc giúp đỡ hội viên về vốn vay, Hội còn mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi, tư vấn xuất khẩu lao động... Riêng năm 2019, Hội đã phối hợp với Hội Nông dân xã liên kết với các công ty sản xuất phân bón tổ chức được 35 lớp tập huấn cho trên 2.000 lượt hội viên về cách nhận biết phân bón giả; kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, sử dụng đệm lót sinh học... Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Trung tâm dịch vụ xúc tiến việc làm tỉnh và các công ty tuyển sinh, tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh mở trên 10 hội nghị tư vấn xuất khẩu lao động và du học sinh đi học và làm việc ở các nước: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc cho trên 1.000 lượt người. Qua đó, đã có khoảng 100 lao động xuất cảnh đi làm việc và học tập tại các nước trên.
Để chị em có cơ hội được học hỏi kinh nghiệm sản xuất, Hội LHPN xã còn quan tâm xây dựng các mô hình phụ nữ làm kinh tế theo nhóm sở thích như: Chăn nuôi trâu bò nái sinh sản và lấy thịt tại xóm La Mạ; trồng cây ăn quả có múi tại xóm Yên Ngựa; Tổ móc tóc tại xóm Làng Ang, Nhóm yêu thích nghề may..., tạo việc làm cho trên 100 lao động nữ có thu nhập ổn định tại địa phương. Chị Tô Thị Lượng, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, nhóm trưởng nhóm yêu thích nghề may xóm Đồng Chăn cho biết: Nhóm được thành lập cách đây hơn 1 năm với 10 thành viên là các chị yêu thích nghề may. Sau khi thành lập, Hội LHPN xã đã tạo điều kiện cho chúng tôi đi học nghề may với thời gian 3 tháng. Sau khi có chứng chỉ nghề, chúng tôi tiếp tục được quan tâm giới thiệu vào làm việc tại Xưởng may của Hợp tác xã Vệ sinh môi trường Phú Cường (thị trấn Đình Cả) với thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/tháng, có tháng được gần 10 triệu đồng.
Chị Hoàng Hà Linh, Chủ tịch Hội LHPN xã Lâu Thượng cho biết thêm: Qua việc tham gia vào các nhóm sở thích, chị em đã có dịp quan tâm, chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong phát triển sản xuất. Mức thu nhập của các hộ từ 100 đến 200 triệu đồng/năm ngày càng nhiều. Điển hình như: Hộ chị Lý Thị Minh, dân tộc Mông ở xóm La Mạ với vườn cây ăn quả gồm 100 cây quýt, 700 cây cam vinh đem lại thu nhập khoảng 180 triệu đồng/năm; hộ chị Nguyễn Thị Hương, ở xóm Trúc Mai với trên 1 ha cây ăn quả (bưởi, cam, nhãn, mít), kinh doanh phông, rạp, bạt, cửa hàng sơn, dịch vụ xay xát, chăn nuôi lợn cho thu nhập khoảng 180 triêụ đồng/năm; hộ chị Nguyễn Thị Sự, xóm Là Dương với vườn cây ăn quả gồm 350 cây na, trồng dưa lê, dưa hấu, dưa bở trái vụ khoảng trên diện tích 3.960m2 kết hợp buôn bán quần áo nhỏ lẻ với tổng thu nhập khoảng 360 triệu đồng/năm... Từ những hoạt động thiết thực của Hội đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo của xã, hiện, số hộ nghèo của xã còn 85 hộ, giảm 33 hộ so với năm 2019.