Xã Văn Yên (Đại Từ) là địa chỉ làm nem chua thơm ngon có tiếng. Món ẩm thực dân dã này đã giúp nhiều gia đình ở đây có nguồn thu nhập ổn định.
Ông Trần Văn Hoạt (80 tuổi), ở xóm Giữa 2 chia sẻ: Không ai ở làng biết chính xác món nem chua này có từ khi nào, chỉ biết khi tôi còn rất nhỏ đã theo học các cụ gói nem chua. Đến tuổi trưởng thành, tôi làm nem rồi bán tại nhà, bây giờ có tuổi thì lại truyền cho các cháu. Từ lâu, đây là món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ, Tết của gia đình. Nem chua cùng với bánh chưng xanh là hai thứ quan trọng trong giỏ quà biếu của người dân địa phương tới hai bên gia đình nội, ngoại, người thân, bạn bè mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Người Văn Yên dù giàu hay nghèo thì mâm cỗ cúng gia tiên cũng đều có món nem chua thì mới trọn nghĩa, vẹn tình…
Là đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm nem chua và có thâm niên kinh doanh món ăn này hơn 20 năm nay, ông Trần Văn Thanh, xóm Giữa 1, có nhiều kinh nghiệm cũng như bí quyết riêng. Ông cho hay: Nguyên liệu để làm món ăn này đều là những thứ dân dã nhưng đòi hỏi tương đối cầu kỳ trong khâu lựa chọn và chế biến. Đây là điểm cốt yếu để có được sản phẩm nem chua thơm ngon, chuẩn vị. Thịt lợn được chọn làm nem phải là loại thịt mới, tươi, mỡ phải trắng, nếu ham lợi nhuận mà làm những loại thịt thải loại, không đảm bảo chất lượng thì nem làm ra sẽ bị thối, hỏng, chưa kể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi bán ra khoảng 180-200 quả nem (20 nghìn đồng/quả), số lượng này sẽ gấp 4-5 lần vào những ngày giáp Tết.
Theo nhiều người làm nem chua ở Văn Yên, để có được quả nem thơm ngon, chua đúng độ thì người làm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Thịt lợn tươi sau khi mua về được người làm pha thành những miếng to bản, mỏng trước khi thái thành từng sợi. Sau đó, thịt được tẩm ướp các loại gia vị gồm: Muối, hạt tiêu, bột ngọt, tỏi băm, thính gạo rang và một chút rượu trắng, cùng với đó là bì lợn được luộc chín, thái sợi và thêm mỡ trắng. Toàn bộ hỗn hợp này được tẩm ướp trong vòng 3-4 tiếng, để ráo trước khi được cuộn với lá ổi, bao gói bằng lá chuối. Muối trộn với thịt phải là loại muối hạt nhỏ, được rang qua chảo gang bởi nếu làm muối tươi thì quả nem sẽ ra nhiều nước, thậm chí bị thối, không thể lên men. Thông thường, nem chua Văn Yên có hình trụ, dài từ 1012cm, trọng lượng trung bình là 120-150g/quả nem. Nem được gói vừa phải, không cần quá chặt tay, đủ kín gió để lên men. Nem để từ 3-4 ngày là ăn được. Khi thưởng thức nem Văn Yên, người ăn thường trộn thêm thính gạo rang và gói kèm với các loại lá sung, đinh lăng… Tùy theo sở thích của người dùng, nem có thể chấm thêm với nước mắm, chanh, ớt pha tỏi hay tương ớt đều phù hợp.
Điểm khác biệt của nem chua Văn Yên đó là trước khi thưởng thức, người dùng cần nướng nem qua than hoa hoặc lăn qua chảo nóng để dậy mùi thơm. Trực tiếp chứng kiến và thưởng thức món nem chua do bàn tay khéo léo của những người dân Văn Yên chế biến, chúng tôi cảm nhận được hương vị đặc biệt, khó quên mà nhiều loại nem chua ở nơi khác không có được. Vị chua của nem hòa quyện với vị chát chát, bùi bùi của lá ổi, thơm của thính gạo rang…
Tuy nhiên, đến nay, số người biết đến nem chua Văn Yên vẫn chưa nhiều, nem chủ yếu được tiêu thụ tại các xã trên địa bàn huyện. Do vậy, người dân Văn Yên rất mong muốn món ăn truyền thống của quê mình xây dựng được thương hiệu, giới thiệu, quảng bá rộng rãi để nhiều người được thưởng thức. Ông Vũ Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Yên cho biết: Ở Văn Yên, không ai không biết gói nem chua. Món ăn này từ lâu đã gắn bó với đời sống, văn hóa của người dân nơi đây. Chúng tôi đã và đang tích cực quảng bá loại đặc sản này thông qua các dịp lễ hội tại địa phương như: Lễ hội Núi Văn - Núi Võ; Lễ hội Trà Đại Từ… Năm 2017, xã đã đem sản phẩm nem chua tham gia Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm” và được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Chúng tôi hy vọng, thời gian tới sẽ có nhiều người biết tới nem chua Văn Yên, qua đó, góp phần phát triển nghề truyền thống, đem lại thu nhập ổn định cho bà con…