Khơi dậy tình yêu sách cho trẻ

11:50, 13/03/2020

Sách luôn là một kho tàng bổ ích giúp trẻ có thể khám phá, từ đó tích lũy vốn kiến thức để hình thành nhân cách. Việc đọc sách cùng với sự hỗ trợ từ cha mẹ sẽ là những định hướng tốt để trẻ rèn luyện khả năng tư duy, sáng tạo. 

Những ngày nghỉ học tránh dịch COVID-19, chị Vũ Kiều Oanh, tổ 13, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) có thêm “cơ hội vàng” để rèn các con thói quen đọc sách. Thói quen này đã được chị tạo lập cho con gái Nông Kim Khánh (sinh năm 2008) từ khi lên 6 tuổi. Chị cho biết: Vì hạn chế đến nơi đông người nên thay vì đến phòng đọc thiếu nhi, tôi mượn sách về nhà cho con đọc. Đã từ lâu, con gái coi đọc sách như một cách giải trí và nâng cao kiến thức, sự hiểu biết. Trong đợt nghỉ này, con có nhiều thời gian để khám phá những cuốn sách mới nên tỏ ra rất thích thú. Còn cháu Khánh thì hào hứng: Những cuốn sách đã giúp cháu đỡ nhàm chán và có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong những ngày không đến trường. Như sau khi đọc xong cuốn “Thấu hiểu cha mẹ”, cháu cảm nhận thêm được sự hy sinh, vất vả của cha mẹ cho con cái, từ đó càng thêm biết ơn bố mẹ. Kỳ nghỉ này, cháu cố gắng phụ giúp bố mẹ làm việc nhà nhiều hơn”. 

Cũng tạo lập cho con thói quen đọc sách mỗi ngày, từ lúc con gái lớn Nguyễn Bảo An (SN 2013) lên 3 tuổi, vợ chồng chị Nguyễn Thu Hương, tổ 7, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) đã mua những cuốn truyện tranh, sách có nhiều hình vẽ sinh động để con làm quen. Buổi tối trước khi đi ngủ, chị và chồng thường đọc sách cho con nghe. Để kích thích trí tưởng tượng của bé, chị mua thêm cuốn hình dán, sách theo chủ đề cây cỏ, hoa lá, động vật để con vừa chơi vừa học. Khi bé vào lớp 1 biết đánh vần, đọc chữ, vợ chồng chị khuyến khích con đọc truyện cho em trai 2 tuổi nghe. Cách này giúp con ôn bài một cách tự nhiên và dần hình thành thói quen đọc sách. Các loại sách anh chị định hướng cho con đọc chủ yếu là truyện cổ tích, giáo dục kỹ năng, như: Tớ đã lớn rồi, Chuyện kể trước giờ đi ngủ, Thân gửi sở thú… và không thể thiếu bộ truyện tranh Doremon. “Mỗi ngày, tôi cố gắng duy trì đọc 3 trang sách hoặc cuốn sách ảnh, rồi hướng dẫn các con tóm tắt lại qua cách hiểu của mình. Việc làm này giúp các con có thêm trí tưởng tượng, rèn luyện trí nhớ, giảm thời gian tiếp xúc với những thiết bị điện tử gây hại cho mắt. Nhờ vậy, bé lớn nhà tôi khi mới vào lớp 1 đã được cô giáo lựa chọn tham gia hội thi kể chuyện do nhà trường tổ chức.” - Chị Hương chia sẻ.

Hiện nay, nhiều gia đình trẻ cũng đã hình thành cho con thói quen đọc sách từ nhỏ. Các gia đình còn lập ra những hội, nhóm có chung sở thích đều đặn gặp gỡ nhau để các con chia sẻ những thông tin hay, bổ ích từ cuốn sách đã đọc. Thực tế cho thấy, nếu cho trẻ tiếp xúc với sách từ sớm, các em sẽ coi đọc sách như là một hình thức giải trí. Vì ưa tò mò, khám phá nên việc đọc sách, tiếp thu những kiến thức mới giúp các em phát triển toàn diện, hỗ trợ cho quá trình học tập sau này. Cùng với đó, điểm quan trọng nhất trong việc rèn thói quen đọc sách cho con là cha mẹ phải làm gương. Như việc đọc sách cho con nghe vào mỗi buổi tối hay đưa con tham dự các ngày hội sách, đọc sách ở thư viện để tạo sự hứng thú, kích thích trí tò mò của trẻ em. 

Cùng với các gia đình, thời gian qua, Hội đồng Đội tỉnh đã chú trọng nhiều giải pháp nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong thiếu nhi và cộng đồng. Mới đây, Hội đã phát động cuộc thi ảnh, video, viết cảm nhận, vẽ tranh hưởng ứng Cuộc vận động “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng” bằng hình thức trực tuyến, góp phần tạo sân chơi bổ ích cho đội viên, học sinh trong những ngày nghỉ phòng dịch COVID-19. Trong đó có phần thi “Cuốn sách của em” nhằm khuyến khích thiếu nhi viết, làm video cảm nhận, vẽ tranh giới thiệu về những cuốn sách yêu thích nhất. Bên cạnh đó, thời gian qua, Hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động khơi gợi niềm đam mê đọc sách của các em, như: Ngày hội “Sách và bạn trẻ”; tặng sách các đơn vị, trường học; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thi, hội diễn gắn với giới thiệu sách; xây dựng và duy trì mô hình “Tủ sách học đường” tại các liên đội… 

Theo chị Nguyễn Mỹ Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh: Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, việc các em sử dụng mạng Internet để tra cứu thông tin, học tập là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, nếu đọc theo hình thức hiện đại mà không có cách đọc, không biết cách khai thác thì kiến thức có thể thiếu chiều sâu. Thời gian tới, Hội đồng Đội tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, ban, ngành chức năng tổ chức các hoạt động định hướng thiếu nhi giữ gìn và phát huy văn hóa đọc.