Chưa bao giờ cụm từ “khởi nghiệp” hay còn gọi là “startup” được nhắc đến nhiều như thời gian gần đây. Tại Thái Nguyên, các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp như Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân xứ Trà đang ngày càng được nhân rộng, đem lại hiệu quả thiết thực.
Anh Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch CLB Doanh nhân xứ Trà cho biết: CLB được thành lập từ năm 2016, khởi nguồn theo mô hình “CLB Cà phê doanh nhân” đã được các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành trong nước thực hiện trước đó. CLB Doanh nhân xứ Trà trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Thái Nguyên là một trong những mô hình giúp các thành viên trong CLB được tiếp cận với nhiều mô hình kinh doanh, thị trường mới mà còn là cơ hội để những người kinh doanh trẻ mạnh dạn, tự tin khẳng định thương hiệu mà mình đang xây dựng. Hiện CLB đã thu hút được 190 hội viên tham gia sinh hoạt.
Nhìn cơ sở khang trang hiện nay trên trục đường Lương Ngọc Quyến buôn bán sầm uất nhất T.P Thái Nguyên, ít ai biết rằng anh Dương Hữu Mịch, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ 2M, thành viên CLB Doanh nhân xứ Trà lại khởi nghiệp với số vốn ít ỏi ban đầu chỉ có 9 triệu đồng. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), với số vốn ít ỏi ban đầu anh đã mua lại 3 chiếc máy tính đã qua sử dụng và mở cơ sở đầu tiên tại phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên. Trải qua nhiều thăng trầm biến động, cộng với kinh nghiệm quản lý ban đầu còn chưa được tốt, nhiều lần tưởng chừng như quá khó khăn và gần như thất bại nhưng với sự quyết tâm, ham học hỏi anh đã vượt qua tất cả, để có được sự thành công như ngày hôm nay. Sau 7 năm xây dựng thương hiệu và phát triển từ cửa hàng nhỏ lên công ty với tên gọi “2M”, hoạt động kinh doanh chính trong mảng phân phối lắp đặt các sản phẩm công nghệ cao, dịch vụ sửa chữa và dịch vụ thương mại, doanh nhân Dương Hữu Mịch đang dần khẳng định được tên tuổi và năng lực của mình, tạo dựng được niềm tin đối với khách hàng trong và ngoài tỉnh, doanh thu bán hàng cũng không ngừng tăng lên. Câu chuyện của chàng trai IT dám nghĩ, dám làm và quyết tâm khởi nghiệp từ số vốn ít ỏi 9 triệu đồng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ trong CLB Doanh nhân xứ Trà.
Anh Bùi Văn Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Vệ sinh công nghiệp Gia Phát, một thành viên khác của CLB Doanh nhân xứ Trà chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp đại học, với số vốn 6 triệu đồng tích lũy được, tôi mở dịch vụ vệ sinh công nghiệp nhà ở dân cư và dịch vụ chuyển nhà, văn phòng ở Thái Nguyên. Tuy nhiên do thiếu vốn, nhân lực và chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc mở rộng thị trường, phát triển dịch vụ khá khó khăn. Năm 2016, sau khi biết đến CLB Doanh nhân xứ Trà, được tham gia các phiên họp thường kỳ của CLB thì việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm dịch vụ đến các doanh nghiệp hội viên và khách hàng gần hơn rất nhiều. Nhiều gói thầu trị giá hàng tỷ đồng được ký kết, trong đó phải kể đến gói thầu với Samsung hồi tháng 5-2019. Cùng với đó, giải thưởng Top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2018 do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bình chọn mà tôi có được cũng nhờ sự tạo điều kiện, giúp đỡ rất nhiều từ các anh chị trong CLB.
Còn anh Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Doji tại Thái Nguyên, bày tỏ: Tại CLB Doanh nhân xứ Trà, chúng tôi được chia sẻ kinh nghiệm, cùng giao thương, hợp tác, hỗ trợ nhau trong công tác bán hàng và phát triển thị trường. Bên cạnh đó, tham gia các buổi hội thảo, đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường; những định hướng, chính sách mới của Đảng, Nhà nước kịp thời cho các doanh nghiệp nắm bắt, đặc biệt là những doanh nghiệp mới khởi nghiệp.
Được biết, một trong những hoạt động của CLB Doanh nhân xứ Trà thu hút đông đảo hội viên và các doanh nghiệp tham gia chính là các phiên giao thương kết nối cung cầu được tổ chức định kỳ hàng tháng, mỗi tháng 1 phiên tổ chức luân phiên tại các đơn vị, doanh nghiệp hội viên. Trong năm 2019, với 12 phiên kết nối giao thương đã có trên 1.200 lượt người tham dự, bình quân 105 người/phiên giao thương. Tại các phiên giao thương này đã có 389 cơ hội giao thương được trao, trong đó có 287 giao dịch được kết nối cung, cầu thành công. Giá trị kết nối giao thương thành công ước tính trên 16 tỷ đồng. Theo đánh giá của các doanh nghiệp thì phiên giao thương kết nối cung cầu hàng tháng do CLB tổ chức không chỉ là cơ hội giới thiệu sản phẩm của các đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận mà còn là nơi giao thương, kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp, đồng thời cũng là môi trường trao đổi, giao lưu, học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau. Không những vậy, các phiên giao thương còn là môi trường sinh hoạt, là cơ hội giao lưu học hỏi lý tưởng giúp các đơn vị, cá nhân phát triển ý tưởng cũng như được hỗ trợ trong hoạt động khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...