Kinh nghiệm “vượt bão” dịch tả lợn châu Phi

08:45, 24/03/2020

“Để việc chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả, thành công thì kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của một trang trại”. Đó là chia sẻ của ông Bùi Đức Dũng, chủ trang trại lợn quy mô lớn ở tiểu khu Cây Châm, thị trấn Đu (Phú Lương).

Mở đầu câu chuyện, ông Dũng kể về giai đoạn giữa năm 2019, “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi đi qua khiến một số đàn lợn của các hộ trên địa bàn, trong đó có hộ gần nhà ông mắc bệnh phải tiêu hủy. Nhưng bằng kinh nghiệm của mình, ông đã giúp trang trại trụ vững. Ông cho biết: Đã xác định làm chăn nuôi thì phải làm chủ khoa học kỹ thuật, sẵn sàng ứng phó khi có dịch, nếu không kiểm soát tốt thì sẽ không còn cơ hội, dẫn đến nguy cơ phá sản ngay. Chứng kiến tình cảnh lúc đó, tôi nhận ra rằng, nếu giám sát, ngăn cách tốt mầm bệnh thì thậm chí hộ chăn nuôi ngay bên cạnh có lợn bị bệnh cũng không ảnh hưởng. Bởi vậy đầu tiên tôi xác định, phải áp dụng “hàng rào sinh học” tốt nhất có thể để chăm sóc, bảo vệ vật nuôi an toàn. Từ suy nghĩ này, ông Dũng lập tức phân chia, ngăn cách giữa vành đai trong và ngoài trang trại. Theo đó, đầu vào trang trại gồm thức ăn, nước, thuốc thú y, con giống… và đầu ra là sản phẩm xuất bán luôn được kiểm soát chặt chẽ cùng các bước khử trùng nghiêm ngặt. 

Biện pháp này vẫn được ông duy trì từ đó đến nay. Ngay đầu đường dẫn vào cổng trang trại, ông rắc trắng vôi bột cũng như thường xuyên phun thuốc khử trùng. Sau cánh cổng luôn đóng kín là một hố nước sát trùng lớn bố trí thành lối đi kiểu zic zắc, bên trên là hệ thống phun sương khử trùng dày đặc. Bất cứ ai muốn vào trại đều phải lội trực tiếp cả bàn chân qua hố nước, bởi theo ông Dũng “bàn chân chính là chỗ dễ mang mầm bệnh từ nơi này qua nơi khác”. Trong trại, ông tổ chức một mô hình chăn nuôi lợn khép kín, biệt lập hoàn toàn với xung quanh, công tác vệ sinh, khử trùng được thực hiện bài bản. Nếu không biết trước, ít ai nghĩ gia đình ông đang nuôi trên 700 con lợn. Bắt đầu với nghề nuôi lợn từ năm 2008 với chỉ hơn chục con, nhưng đến nay, ông đã sở hữu 100 lợn nái và trên 600 lợn thịt, bình quân mỗi tháng ông xuất bán 5 tấn lợn thịt, thu lãi 50 triệu đồng/tháng.

Để có được kiến thức cũng như kinh nghiệm chăn nuôi lợn, ông cũng trải qua không ít khó khăn và thua lỗ. Năm 2012, khi trang trại của ông dần đi vào ổn định thì ngoài thị trường xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn. Mặc dù lợn của gia đình không bị mắc bệnh nhưng tâm lý người tiêu dùng e ngại khiến giá bán sụt giảm còn 1/3 so với trước. Với việc xuất bán gần 20 tấn lợn hơi, ông chịu thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Sau thời điểm đó, ông luôn trăn trở tìm hướng chăn nuôi an toàn, lấy chất lượng để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Năm 2014, ông chuyển hướng đầu tư nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tháng 9-2015, trang trại của ông được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng được thương hiệu sản phẩm, nhiều doanh nghiệp, thương lái trong và ngoài tỉnh đã tìm đến ông ký hợp đồng mua bán. Nhờ đó, ông luôn duy trì được mức tiêu thụ và giá bán ổn định cho tới nay.