Phát huy vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, thời gian qua, hội liên hiệp phụ nữ (HLHPN) các cấp đã có nhiều nỗ lực trong tham mưu, chỉ đạo, thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ và trẻ em. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3 và 1980 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN THỊ QUỲNH HƯƠNG, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
P.V: Thưa bà, với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai những hoạt động gì để thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Phụ nữ và trẻ em gái tỉnh ta đã, đang được hỗ trợ, bảo vệ bằng khung pháp lý và hệ thống chính sách đồng bộ. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong nhiều linh vực, ngành, nghề cũng như trong đời sống. Từ thực tế đó, với chức năng, nhiệm vụ mình, thời gian qua các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: Tuyên truyền cho cán bộ, hội viên các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ, bình đẳng giới; phối hợp với các ngành chức năng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ; bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ công tác hội và các kỹ năng cần thiết khác. Phát động nhiều phong trào thi đua trong các cấp hội như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; “Phụ nữ Thái Nguyên sản xuất kinh doanh giỏi”; “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”… Mạnh dạn lựa chọn những mô hình khó, những lĩnh vực mới để hỗ trợ hội viên phụ nữ thực hiện; tích cực khai thác nguồn lực từ các chương trình/dự án; hỗ trợ xây dựng các mô hình phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn cho hội viên phụ nữ tại cộng đồng, tổ hợp tác, hợp tác xã…
P.V: Với những cách làm đó, các cấp hội đã đạt được những kết quả thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã tổ chức lồng ghép được 2.250 buổi tuyên truyền cho trên 250 nghìn hội viên; tổ chức 1.813 lớp tập huấn kiến thức về các lĩnh vực cho trên 120 nghìn hội viên, các thành viên nhóm sở thích/tổ hợp tác/HTX; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho trên 20 nghìn hội viên phụ nữ, trong đó có gần 15 nghìn lao động có việc làm sau đào tạo; tiếp tục duy trì và xây dựng mới 140 nhóm sở thích/tổ hợp tác; 13 hợp tác xã; 13 cửa hàng liên kết, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm an toàn; 433 mô hình phát triển kinh tế; tín chấp với các ngân hàng 2.979 tỷ đồng cho 82.100 người vay; khai thác 4 dự án với tổng kinh phí gần 28 tỷ để hỗ trợ các hoạt động của hội và hội viên, phụ nữ; hỗ trợ 450 phụ nữ khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh với số tiền trên 35 tỷ đồng; 1.400 chị đạt danh hiệu “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi; giúp cho 1.856 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được các cấp hội giúp thoát nghèo theo chuẩn đa chiều; 100% cán bộ hội các cấp đạt chuẩn chức danh theo quy định; 100% chi hội trưởng phụ nữ được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội; tham mưu kết nạp Đảng cho 2.712 chị... Tỷ lệ nữ cán bộ cấp ủy cấp tỉnh: 7/50, bằng 14% (tăng 2,68% so với đầu nhiệm kỳ), cấp huyện 70/353, bằng 19,83%; cấp xã 660/2.722, bằng 24,25%. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND tỉnh: 33,33%, cấp huyện 27,73% và cấp xã là 24,36%.
P.V: Nói đến bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em là những người được quan tâm nhiều nhất. Vậy các cấp hội đã làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Các cấp hội LHPN tỉnh đã luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng thực hiện nhiệm vụ chính sách, luật pháp về công tác phụ nữ, cán bộ nữ và bình đẳng giới. Phối hợp với các ngành chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em tại các địa phương khi bị xâm hại. Ban hành các văn bản kiến nghị với các ngành chức năng bảo đảm quyền lợi chính đáng cho phụ nữ, trẻ em. Đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng mô hình thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới như: Xây dựng mới 116 mô hình “Địa chỉ tin cậy”; 12 mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em; 103 câu lạc bộ tư vấn và hỗ trợ pháp luật về bạo lực gia đình... Tham gia các quy trình ban hành các quyết định, xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách, thường xuyên nắm bắt, phản ánh tâm tư nguyện vọng và có đề xuất kịp thời các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải quyết đơn thư khiếu nại cho phụ nữ; tăng cường đối thoại, giám sát, phản biện xã hội các nội dung liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Kết quả, từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã tổ chức giám sát được 555 cuộc, sau giám sát có 614 kiến nghị được tiếp thu; tổ chức được trên 350 cuộc đối thoại, tiếp xúc định kỳ với hội viên phụ nữ.
Các cấp Hội Phụ nữ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Trong ảnh: Phần dự thi của huyện Phú Bình trong Hội thi Tuyên truyền giỏi về bình đẳng giới và giảm nghèo bền vững do Hội LHPN tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức năm 2019.
P.V: Năm 2019 được Hội LHPN tỉnh chọn là năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” và chủ đề này sẽ được thực hiện xuyên suốt những năm tiếp theo. Xin bà cho biết những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể Hội LHPN tỉnh đề ra năm 2020?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” với 3 nội dung chính: An toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình; an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng. Năm 2020, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chọn chủ đề năm là “Vì môi trường xanh, sạch, đẹp của khu dân cư và an toàn cho phụ nữ, trẻ em” với 4 nội dung hoạt động lần lượt theo 4 quý gồm: Phụ nữ Thái Nguyên tích cực xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; phòng, chống bạo lực và xâm hại tình dục, vì an toàn của phụ nữ, trẻ em; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, sáng tạo, khởi nghiệp; thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trọng tâm ưu tiên thực hiện là phòng, chống xâm hại trẻ em và thực hiện nguyên tắc “3 có” trong phân loại, xử lý rác thải tại nguồn gắn với chống rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh.
Để thực hiện tốt nội dung trên, các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng để tuyên truyền; tập huấn kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, kỹ năng sống, phòng, chống xâm hại và bạo lực, an toàn giao thông… cho phụ nữ và trẻ em; cụ thể hóa chủ đề hoạt động năm, các quý phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; lựa chọn nội dung trọng tâm và thí điểm trước khi nhân diện rộng; vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia, thực hiện chủ đề năm 2020. Các cấp hội tiếp tục phối hợp hoặc chủ trì giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; phát hiện, lên tiếng và phối hợp tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; khai thác các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực và xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ thuộc các lĩnh vực tại cộng đồng; duy trì, nâng cao các mô hình hiệu quả tại cơ sở; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại cơ sở, kịp thời rút kinh nghiệm và điều chỉnh công tác chỉ đạo cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị...
P.V: Xin cảm ơn bà!