Một nữ giảng viên của một trường đại học thuộc Đại học Thái Nguyên mới đây đã đăng dòng status lên mạng xã hội facebook thông báo về việc hoãn lại đám cưới của con mình vì dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp (trong khi thiệp mời đã được phát đi). Việc làm của gia đình đã nhận được sự ủng hộ cao của người thân cũng như cộng đồng mạng. Rất nhiều người, kể cả không quen biết sau đó đã gửi lời chúc tới cặp vợ chồng trẻ và gia đình.
Tâm sự của người mẹ ấy tôi cứ đọc đi đọc lại: “Thương con, không biết phải nói sao với con về việc quyết làm hay lùi đám cưới, thì con đã chủ động thưa chuyện với bố mẹ. Con nói: "Con rất mong chờ đến ngày tổ chức đám cưới của mình. Nhưng giữa sự lựa chọn hạnh phúc cá nhân và an toàn của cộng đồng, con xin bố mẹ cho con được vì cộng đồng trong lúc dịch bệnh này!" Đám cưới của hai cháu dự định được tổ chức vào ngày 15/3/2020 xin được hoãn lại. Thủ tục đón dâu, đăng ký của hai cháu đã hoàn tất. Rất mong nhận được sự thông cảm của tất cả mọi người”.
Lần vào trang facebook cá nhân của chú rể tương lai, tôi đọc được những dòng tâm trạng khi hai bạn sẽ quyết định hoãn tổ chức đám cưới lần hai: Việc lùi lịch đám cưới lần này sẽ lâu hơn, đến khi nào Thái Nguyên và Việt Nam chiến thắng đại dịch COVID-19 này! Không thể nói là không buồn, nhưng một điều chắc chắn là không việc gì mà phải kể khổ ra ở đây cả, không chỉ riêng mình, mà cả xã hội đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Giáo viên, học sinh nhớ trường lớp, buôn bán không có khách hàng, bất cứ ngành nào mọi người đều đang chịu thiệt hại, ngay cả đám cưới mình, nhà rạp, nhà cỗ bị hủy lịch, họ còn thất vọng hơn, cớ sao mình phải buồn vì chung tay giúp cộng đồng và xã hội, nói thật chứ mình đang cảm thấy rất tự hào... Và lần tới, trong đám cưới của mình, sẽ có đông đủ mọi người hơn, gia đình và bạn bè sẽ thoải mái mà tới tham dự, tội gì mà không lùi một bước để tiến xa hơn...
Suy nghĩ về quyết định của đôi bạn trẻ, tôi thấy vô cùng trân trọng. Trước tình hình chung, gia đình đã dừng lại việc trọng đại của cả đời của hai bạn trẻ vì sức khỏe và sự an toàn của chính gia đình và người thân, cộng đồng. Lại nhớ cuối tuần vừa rồi dưới quê có 2 đám cưới, gia đình tôi, bất đắc dĩ phải cử người đi mà vừa ăn cỗ vừa nơm nớp lo sợ. Bởi nhà tổ chức đám cưới, anh em, bạn bè họ hàng khắp mấy tỉnh. Đi đến đám đông, xịt nước sát khuẩn rồi đeo khẩu trang thì để bảo vệ bản thân là chuyện rõ rồi. Ấy thế nhưng, khi ăn cơm thì chả nhẽ lại không tháo khẩu trang ra. Chưa kể, ở quê tôi có món “đặc sản” ấy là bắt tay. Mỗi lần người đại diện của gia đình ra mời rượu quan khách, sau khi uống đều bắt tay cảm ơn. Ôi thôi, chả lẽ khi họ đưa tay ra bắt, mình lại thiếu lịch sự giấu tay đi. Đem sự bất tiện này trò chuyện với chị bạn đồng nghiệp, chị ấy nói, trong tình hình này gia đình em liều nhỉ, nhà chị, mấy đám cưới đều viện lý do để từ chối không đi mà chỉ gửi quà mừng. Nghe đâu, có đám cưới người quen của chị vừa rồi tổ chức ở nhà hàng thành phố bị ế hàng chục mâm cỗ rất lãng phí.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó có nội dung: “Hạn chế tổ chức cuộc họp, sự kiện và hoạt động tập trung đông người; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, học tập, khai báo điện tử, kiểm soát dịch bệnh. Cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là phường, xã, thôn, bản, tổ dân phố vận động người dân hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người, tăng cường các hoạt động nâng cao sức khỏe, thể lực”. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều gia đình, cơ quan, tổ chức đã tự ý thức hoãn, giảm các buổi hội họp, liên hoan. Nhỏ nhất là việc tổ chức tiệc sinh nhật con thay vì làm cỗ linh đình ở nhà hàng thì giờ chỉ gói gọn trong gia đình. Bố mẹ sẽ mua cho con chiếc bánh sinh nhật, cả nhà cùng tụ họp thổi nến chúc con tuổi mới ngoan, khỏe, học giỏi.
Thiết nghĩ, mỗi việc làm dẫu nhỏ bé đó cũng chính là hành động đẹp mà mỗi cá nhân, tập thể đang tích cực chung tay bảo vệ bản thân và gia đình, cùng phòng, chống, đẩy lùi dịch COVID-19.