Bên trong ngôi nhà đặc biệt

08:22, 01/04/2020

Đặc biệt bởi ngôi nhà này là điểm đến của những người có yếu tố dịch tễ với COVID - 19. Họ đến đây vì trước đó có tiếp xúc gần với người dương tính với COVID - 19, hoặc mới từ vùng dịch của một số nước trên thế giới trở về… Ngôi nhà được xây dựng cách hẳn bên ngoài khuôn của viện Bệnh viện A Thái Nguyên và do đội ngũ cán bộ y, bác sĩ Khoa Truyền nhiễm phụ trách. 

Gần 2 tháng nay, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ trong Khoa sẵn sàng ứng phó với dịch COVID - 19. Toàn bộ bệnh nhân các bệnh truyền nhiễm được chuyển sang điều trị tại một khu vực khác của Bệnh viện, để dành lại ngôi nhà 3 tầng của Khoa làm nơi tiếp nhận trường hợp có yếu tố dịch tễ với COVID - 19. Với 2 tầng nhà, 12 phòng ở, 24 giường ngủ sạch sẽ, thoáng mát được thường xuyên phun thuốc khử trùng, tạo tâm lý yên tâm cho các trường hợp cách ly. Để chủ động chống dịch COVID - 19, Bệnh viện đầu tư xây dựng thêm ngôi nhà 3 gian dành riêng cho cán bộ y, bác sĩ của Khoa làm việc.

Hết sức khẩn trương, trong 21 ngày ngôi nhà được xây dựng hoàn thiện. Trưởng Khoa, Bác sĩ Chuyên Khoa I Nguyễn Văn Huy cho biết: Ngày 7-2, ngôi nhà tiếp nhận trường hợp đầu tiên. Đến nay đã có 17 trường hợp đến lưu trú. 100% trường hợp đều âm tính với COVID - 19. Họ tự nguyện đến là vì có nhận thức đầy đủ về sự nguy hại của dịch bệnh, và để phòng bệnh cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Hiện đã có 6 trường hợp “hoàn thành” thời gian 14 ngày cách ly trở về với gia đình. 

Chị Hoàng Thị Chinh cho biết: Cả nhà tôi gồm 2 vợ chồng và 2 con cùng đến đây. Trước đó 4 người trong gia đình tôi đi du lịch tại T.P Huế, do trong thời gian lưu trú tại một khách sạn, chúng tôi có tiếp xúc gần với 1 người nước ngoài dương tính với COVID 19, nên vợ chồng thống nhất đưa cả nhà vào đây…

Bên hành lang ngôi nhà, anh Hoàng Trung Dũng chia sẻ: Tôi sang Trung Quốc làm ăn, vì dịch dã nên trở về nhà, được gia đình vận động vào đây cách ly. Ở nhà, mọi thành viên trong gia đình đều lo lắng, tự cách ly trong nhà bằng cách hạn chế đi ra ngoài. Còn chị Phan Thị Thu Hiền cho biết: Tôi sang Hàn Quốc làm nghề giúp việc. Mọi lần về đến sân bay là có người nhà đến đón. Nhưng lần này tôi tự về, chồng con gọi điện động viên: Dịch dã lan tràn gần khắp các nước trên thế giới, cần phải vào khu cách ly đặc biệt để biết tình trạng sức khỏe của mình. Thấy chúng tôi vào thăm, chị Vũ Thị Hồng Hương phấn chấn: Tôi trở về từ Philíppin. Tôi hoàn toàn bình thường về sức khỏe, nhưng không chủ quan với COVID - 19. Tôi tự nguyện vào sống trong khu cách ly đặc biệt này để nếu có bệnh thì được chữa trị kịp thời. Hoàn thành cách ly, trở về nhà với người thân, tôi vẫn tự mình hạn chế đi siêu thị mua sắm, tránh tiếp xúc chỗ đông người. Với bạn bè tôi sẽ liên hệ, chia sẻ qua điện thoại. Để 14 ngày không vô vị, tôi mang theo sách vào đọc.

Nhưng để bảo đảm an toàn, 4 phía ngôi nhà đều có “tường bao, rào kín”, duy chỉ có một lối ra, vào thường xuyên được khóa chặt. Trừ cán bộ y tế còn lại “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bác sĩ Chuyên khoa I Trịnh Viết Trường cho biết: 14 ngày phải cách ly với cuộc sống bên ngoài, nhưng chúng tôi vẫn liên lạc với người thân qua điện thoại, zalo, facebook. Có người dành thời gian đọc sách, báo; chơi điện tử, tập thể dục hoặc học cách nấu ăn qua mạng. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho những trường hợp cách ly, cán bộ y, bác sĩ của Khoa còn là người lo giúp họ cơm ăn, nước uống, mua giúp các vật dụng cần thiết. Mọi hoạt động bên trong ngôi nhà đặc biệt đang diễn ra trong yên bình. Các trường hợp cách ly lần lượt đến rồi lần lượt trở về với gia đình, cộng đồng nơi cư trú. 14 ngày cách ly không phải dài, nhưng đó là những ngày đè nặng trong tâm lý. Chỉ sau mỗi lần cán bộ y tế đến đo thân nhiệt, không có biểu hiện sốt, ho mới thở phào nhẹ nhõm như vừa quẳng đi một gánh nặng. 

*(Tên nhân vật có yếu tố dịch tễ với COVID - 19 trong bài đã được thay đổi)