Một ngày cuối tháng 4, tôi trở lại thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915 - Đội 91 Bắc Thái, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên). Tiếng của hướng dẫn viên đong đầy cảm xúc, lúc lên cao, lúc nghẹn thắt: “… Chập choạng tối 24/12/1972, khi 66 đoàn viên Đội 915 chưa kịp bưng bát cơm sau một ngày lao động mệt nhọc thì 34 chiếc B52 kèm 40 máy bay chiến thuật ồ ạt lao đến. Hơn 700 quả bom rải thảm khắp T.P Thái Nguyên, khu vực Ga Lưu Xá chìm ngập trong bom Mỹ. Bom rơi trúng hầm, 60 đoàn viên TNXP và 2 nhân viên thủ kho lương thực Lưu Xá hy sinh ngay trong hầm trú ẩn…”
Dù chi tiết ấy tôi đã nghe, đã đọc đến cả trăm lần nhưng vẫn nguyên cảm giác nhói nơi lồng ngực, cổ nghẹn đắng, sống mũi cay. Khẽ nhắm mắt, ngước nhìn lên, lẫn trong văng vẳng tiếng chuông, tiếng khánh ai đang thỉnh như có tiếng thì thầm dẫn tôi ngược miền ký ức.
Tháng 4-1972, giới cầm quyền Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai bằng không quân và hải quân trên toàn miền Bắc nước ta. Cảng Hải Phòng và nhiều cửa sông, bến cảng khác của miền Bắc bị phong tỏa. Việc vận chuyển vũ khí, phương tiện và các loại hàng hóa thiết yếu khác do các nước xã hội chủ nghĩa anh em viện trợ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta theo đường biển hoàn toàn bị ngưng trệ. Trước tình hình đó, Trung ương giao cho Bắc Thái hai nhiệm vụ là tiếp nhận hàng vừa để dự trữ vừa tiếp chuyển cho các chiến trường và đảm bảo giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống trên các trục đường. Ga Lưu Xá và Ga Quán Triều (T.P Thái Nguyên) trở thành “cảng cạn” của miền Bắc, mỗi ngày tiếp nhận hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân trang, quân dụng để chi viện cho tiền tuyến. Vì vậy, Thái Nguyên trở thành một trong những địa bàn đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ.
Đặt bước chân nhỏ bé của mình trên những con đường các anh chị từng đi để thấm thía hơn lý tưởng anh hùng cách mạng cao đẹp của những người con trai, con gái tuổi mới mười tám, đôi mươi dù rằng mới chỉ học hết lớp ba, lớn bốn. Đây Phổ Yên, Phú Bình, Đại Từ, Đồng Hỷ (Thái Nguyên), xa hơn là những Chợ Rã, Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì (Bắc Kạn). Các chị, các anh đã xếp lại mọi giấc mơ tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cùng hướng về mục tiêu chung, lên đường góp sức giúp non sông “liền một dải”. Lời dặn dò gia đình, hẹn ước cùng người thương trước ngày lên đường là đợi các chị, các anh thực hiện được ước mơ chung của cả dân tộc rồi sẽ trở về xây đắp ước mơ riêng… Nhưng ngày ấy đã không bao giờ đến, để lại những người mẹ khóc con đến lòa 2 mắt; người chị chờ em suốt gần 50 năm dù biết em sẽ không về.
Đó là câu chuyện của bà Bùi Thị Bến hiện đang sống tại thôn Bản Mới, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn - mẹ của liệt sĩ Vũ Thị Hiện, đội viên Đại đội 915. Tóc đã bạc trắng, tai nghe không còn rõ nhưng cứ mỗi khi có người hỏi về chị, bà lại vanh vách “Cháu nó sinh lúc 4 giờ chiều ngày 12 tháng Chạp năm 1954. Tóc nó dày, da trắng, mắt đen láy. Lúc nó xin đi TNXP ở nhà còn 7 đứa em, nhà cửa thì dột nát. Tôi không cho đi, nó xin và hứa khi nào dựng nhà nó sẽ xin đơn vị về làm đỡ bố mẹ. Không biết có phải nó không yên tâm khi chưa thực hiện được lời hứa không mà tôi vẫn thường mơ thấy nó về đi vòng quanh xem xét hết trên nhà lại đến bếp...”
Còn với bà Nông Thị Hưởng, thôn Bản Tưn, xã Xuân Lạc, cùng huyện Chợ Đồn - chị gái của liệt sĩ Nông Văn Sơn, dù đã lập gia đình hơn 50 năm nhưng bà vẫn ở nhà bố mẹ đẻ. Bởi trước khi đi TNXP, liệt sĩ Sơn có dặn, khi nào em trở về, lấy vợ ở cùng mẹ mới để vợ chồng chị ra ở riêng. Hơn một tháng sau ngày anh Sơn hy sinh, gia đình nhận được giấy báo tử. Nhưng bà Hưởng không muốn tin. Cho đến nay, bà vẫn ở nhà với mẹ để đợi em…
Đoàn công tác 2 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn trong chuyến đi sưu tầm các tư liệu, hiện vật về các TNXP Đại đội 915 tại tỉnh Bắc Kạn.
Theo con đường hành quân cách đây gần nửa thế kỷ, tôi trở lại xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ (nay là T.P Thái Nguyên) nơi Đại đội 915 đóng quân trước khi thực hiện nhiệm vụ cuối cùng. Chiếc cầu tre năm xưa nối đôi bờ sông Cầu nay đã là cây cầu treo vững trãi, cảnh vật của xóm nhỏ ven sông đã đổi thay nhiều. Nhưng vẫn còn đây Bến Than trên khúc sông Con (một phụ lưu của sông Cầu) nơi chiều chiều các đội viên của Đại đội 915 cứ con trai tắm bến trên, con gái ở bến dưới. Không nhìn thấy mặt nhau chỉ nghe tiếng hò đối đáp vang rộn bến sông (theo lời kể của bà Đỗ Thị Hoàn, cựu đội viên của Đại đội 915 hiện đang sống tại xóm Bến Đò). Liền đó là nhà của các gia đình nơi Ban Chỉ huy Đại đội và các đội viên ở nhờ. Cách bến sông chừng 500m là một bãi đất trống (nay đã được người dân trồng rau và hoa) vừa là chỗ ăn cơm vừa là nơi các anh, chị học bổ túc văn hóa và sinh hoạt văn nghệ.
Lật tìm lại lịch sự, khoảnh khắc sáu tốp máy bay ném bom chiến lược B52 và hàng trăm chiếc máy bay chiến thuật của giặc Mỹ đánh chiếm vào các khu vực trọng điểm của T.P Thái Nguyên, trong đó có “cảng cạn” Lưu Xá. Giặc lái Mỹ lồng lộn thả bom, bắn phá, chúng sử dụng cả bom tọa độ để tăng cường độ chính xác, máy bay B52 được phối hợp bởi một giàn máy bay hộ tống… Một loạt bom rơi vào khu vực cán bộ, đội viên Đại đội 915 và thủ kho lương thực trú ẩn. Một quả rơi đúng đầu hầm chữ U, liền lúc đó, 1 quả thả đúng đầu hầm bên kia, làm căn hầm lún sâu, biến dạng; đồng thời vùi lấp căn hầm chữ A bên cạnh. Còi báo yên, bầu trời Gia Sàng chìm trong sự im lặng đến rùng rợn. Những mảnh áo của các anh chị cháy xém mắc trên những khóm cây trinh nữ. Tiếng yếu ớt của cô TNXP Nông Thị Bích Nga, quê Bắc Kạn gọi người yêu “cứu em” lần cuối; tiếng của chàng trai Hoàng Văn Thắng bất lực cầu cứu muốn thoát khỏi tấm bê tông đang đè lên người để cứu người yêu và đồng đội khi tiếng kêu cứu cửa người yêu chới với, yếu dần rồi tắt hẳn… Những trái bom oan nghiệt của đế quốc Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 62 người, gồm Đội phó Nguyễn Thế Cường, 59 cán bộ, đội viên Đại đội 915, hai cán bộ thủ kho của Ty Lương thực; làm 7 cán bộ, đội viên Đại đội 915 bị thương…
Trong khói nhang thoang thoảng, bước ra khỏi không gian trưng bày các hiện vật về Đại đội 915, phía trước là khuôn viên rộng rãi, khang trang và bề thế. Tôi còn nhớ lần đầu đến Khu di tích, thắp nhang xong, một thành viên trong đoàn đến từ Hà Nội đã không kìm nổi những giọt nước mắt xúc động: “Chúng tôi thật có lỗi khi đến tận hôm nay mới biết đến sự hy sinh của các anh, các chị. Cảm ơn hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn đã đầu tư tôn tạo Di tích để chúng tôi được đến, được biết, được tự hào thêm về một thời hào hùng trong lịch sử”. Và công trình cũng chính là tấm lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc hai tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn trước những chiến công bất tử của các chị, các anh.