Đối với những lao động nghèo, “an cư” luôn là giấc mơ lớn và khó thành hiện thực. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều lao động nghèo phải sống trong những ngôi nhà cũ, chật hẹp, dột nát. Góp phần giúp người lao động vơi bớt khó khăn, thời gian qua, đã có nhiều ngôi nhà “Mái ấm công đoàn” được xây dựng cho những đối tượng khó khăn về nhà ở.
Chị Vi Thị Vĩnh là một trong những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn nhất ở Trường Tiểu học Lam Vỹ (Định Hóa). Gia đình chị Vĩnh thuộc diện hộ nghèo. Đã nhiều năm, vợ chồng chị cùng bố mẹ đẻ và 2 con nhỏ sống chung trong căn nhà lá chật chội tại xóm Cà Đơ. Bản thân chị Vĩnh sức khỏe yếu, chồng không có việc làm ổn định nên hoàn cảnh rất khó khăn. Kinh tế eo hẹp, lo ăn cho 6 nhân khẩu còn khó, ước mơ có một mái nhà khang trang ngày càng xa vời. Giữa năm 2019, biết được hoàn cảnh của chị Vĩnh, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã hỗ trợ 30 triệu đồng, LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng để chị Vĩnh xây dựng nhà mới. Sau hơn 3 tháng thi công, ngôi nhà cấp 4 khang trang với diện tích 100m2, cùng các công trình phụ trợ đã hoàn thành. Ngày nhận nhà mới, chị Vĩnh rưng rưng: Vậy là mùa mưa năm nay, người già, trẻ nhỏ trong gia đình chúng tôi không phải sang hàng xóm ngủ nhờ nữa.
Còn chị Nguyễn Hoàng Yến, giáo viên Trường Mầm non Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) không giấu được niềm vui và xúc động khi đón khách đến thăm nhà mới. Chị Yến nói: “Nhà hoàn thành cuối năm ngoái, tôi cũng chưa sắm sửa được gì nhiều. Đồ trong nhà một phần là đồ cũ, một phần được các tập thể, cá nhân tặng hôm khánh thành nhà”. Nhà “Mái ấm công đoàn” của gia đình chị Yến được LĐLĐ T.P Thái Nguyên hỗ trợ 30 triệu đồng để xây dựng. Chị Yến bị thiếu máu cơ tim và teo cơ đùi nên đi lại khó khăn, sức khỏe yếu. Hơn 1 năm trước, chồng chị phát hiện bị bụi phổi Silic, bố chồng bị ung thư (nay đã mất - PV). Trước đó, cả gia đình chị Yến sinh sống trong ngôi nhà cấp 4 cũ xuống cấp.
Chị Lưu Thị Vân, người dân tộc Sán Dìu là đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH HanSol Electronics Việt Nam bộc bạch: "Tôi cũng được hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn”. Gia đình tôi là hộ nghèo đã nhiều năm, chồng không có việc làm phải ở nhà chăm sóc con bị bại não nên kinh tế hết sức khó khăn. May sao, thời gian qua, tôi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của Công đoàn Công ty và chính quyền địa phương để cuộc sống bớt khó khăn”. Biết được hoàn cảnh của gia đình chị Vân, cuối năm 2019, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ 40 triệu đồng; Công đoàn và Công ty TNHH HanSol Electronics Việt Nam, LĐLĐ và UBND thị xã Phổ Yên, các công đoàn cơ sở trên địa bàn... đã đóng góp với tổng số tiền là 135,2 triệu đồng. Tháng 10-2019, ngôi nhà cấp 4 với diện tích 80m2 của gia đình chị Vân đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Chương trình nhà “Mái ấm công đoàn” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động là cuộc vận động xã hội hóa xây dựng nhà ở cho công nhân, viên chức, lao động nghèo. Qua đó, nhằm giúp công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở có điều kiện ổn định cuộc sống. Xác định được ý nghĩa thiết thực đó, những năm qua, LĐLĐ tỉnh đã tích cực chỉ đạo và hướng dẫn các công đoàn cơ sở trực thuộc tổ chức tuyên truyền, vận động xây dựng Quỹ Mái ấm công đoàn. Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt, khảo sát tình hình nhà ở, đời sống, việc làm, thu nhập của đoàn viên, công nhân, viên chức và người lao động để kịp thời hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Chỉ tính riêng năm 2019, các cấp công đoàn xây dựng được 110 nhà “Mái ấm công đoàn” và nhà “Tình nghĩa” với tổng số tiền là 4,6 tỷ đồng. Trong đó, LĐLĐ tỉnh xây dựng 70 nhà với tổng số tiền hỗ trợ là trên 2 tỷ đồng. Xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn” đã và đang trở thành một hoạt động xã hội có sức lan tỏa sâu rộng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” được đông đảo đoàn viên và người lao động trong toàn tỉnh đồng tình hưởng ứng.