Hiện nay, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta cùng rất nhiều quốc gia trên thế giới. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch để vừa bảo đảm an toàn cho người lao động, vừa duy trì sản xuất ổn định.
Trung tâm Điều khiển xa (Công ty Điện lực Thái Nguyên) có chức năng đặc biệt quan trọng trong việc điều hành, vận hành 24/24 giờ toàn bộ lưới điện trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đối với các công ty điện lực thành viên tại các tỉnh, thành phố đã có bệnh nhân COVID-19, nhằm giữ an toàn cho các cán bộ, nhân viên làm công tác điều độ lưới điện, bảo đảm việc cấp điện trên địa bàn tỉnh được ổn định, liên tục, an toàn trong thời gian dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, từ 7 giờ sáng ngày 1-4, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã áp dụng thực hiện cách ly Trung tâm Điều khiển xa. Thời gian áp dụng biện pháp cách ly để phòng, chống dịch bệnh là 15 ngày (từ ngày 1-4 đến 15-4). Theo đó, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã điều chuyển, bổ sung trang thiết bị để thiết lập Trung tâm Điều khiển xa số 2 (OCC2), các kỹ sư vận hành hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh được bố trí làm việc và ở ngay tại khu cách ly riêng biệt tại 1 tầng trong khu vực của văn phòng Công ty, được đáp ứng đầy đủ các điều kiện sinh hoạt tại chỗ, trang bị đầy đủ phương tiện làm việc, phòng họp, phòng nghỉ, phòng ăn, khu vực tắm giặt, thay đồ, vệ sinh. Đội ngũ này không được về nhà, không tiếp xúc với những cán bộ, công nhân viên khác của đơn vị (trừ cán bộ y tế và bộ phận cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày). Trước khi tiến hành cách ly, bộ phận y tế của Công ty Điện lực Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra tình trạng sức khỏe của các điều độ viên, kỹ sư vận hành (SCADA); cung cấp nước sát khuẩn, nước súc miệng, cồn lau thiết bị...
Đo kiểm tra thân nhiệt của công nhân trước khi vào xưởng sản xuất tại Công ty TNHH Mani Hà Nội (đơn vị đóng trên địa bàn T.X Phổ Yên).
Cùng với Công ty Điện lực Thái Nguyên, các DN, cơ sở sản xuất khác trên địa bàn tỉnh đều tăng cường triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, bố trí khu vực sản xuất, khu vực ăn ca hợp lý để vừa bảo đảm an toàn cho người lao động, vừa duy trì sản xuất ổn định. Cụ thể như tại Công ty TNHH Mani Hà Nội (đóng trên địa bàn T.X Phổ Yên), ông Nguyễn Đức Cảnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Hàng ngày, Công ty thực hiện nghiêm túc việc đo thân nhiệt cho mọi công nhân trước khi vào xưởng sản xuất. Đối với việc ăn ca, Công ty chia thành nhiều khung giờ để hạn chế tập trung tất cả công nhân vào cùng một thời điểm và quay bàn ăn về cùng 1 hướng (thay vì kê đối diện như trước) để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nếu có… Còn tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, theo ghi nhận của chúng tôi, đầu giờ sáng, công nhân vào các nhà máy làm việc đều đeo khẩu trang và phải xếp hàng để kiểm tra thân nhiệt. Bà Lê Thị Thu, cán bộ quản lý nhân sự của Công ty KSD Vina cho biết: Công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử, là 1 trong số gần 30 DN nằm trong Khu công nghiệp Điềm Thụy, mỗi DN đều có tới hàng nghìn lao động, nếu không may có người bị lây nhiễm dịch COVID-19 thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì vậy, việc theo dõi, giám sát y tế được lãnh đạo các DN và công nhân thực hiện rất nghiêm túc, tự giác. Nếu phát hiện trường hợp người lao động có triệu chứng bị ho, sốt, cúm, Công ty chúng tôi sẽ yêu cầu nghỉ ở nhà và đến ngay cơ sở y tế để khám hoặc lấy mẫu bệnh phẩm. Trong khu vực xưởng sản xuất, Công ty bố trí chỗ làm việc của từng công nhân cách nhau tối thiểu 2m. Việc ăn ca cũng được chia thành nhiều khung giờ...
Đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (là DN may hiện có trên 10.000 người lao động), ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cho biết: Cùng với các biện pháp được duy trì từ nhiều ngày nay (như yêu cầu công nhân luôn đeo khẩu trang tại nơi làm việc cũng như khi ra đường, đo kiểm tra thân nhiệt từng người trước khi vào xưởng sản xuất), từ ngày 1-4, Công ty đã tạm dừng đưa đón công nhân bằng xe chung; bố trí, sắp xếp lại vị trí làm việc bảo đảm mỗi công nhân trong chuyền may cách nhau tối thiểu 2m. Đặc biệt, Công ty còn yêu cầu công nhân khai báo tình hình sức khỏe hàng ngày, từ đó kịp thời phát hiện những trường hợp có biểu hiện bất thường để cho nghỉ theo dõi sức khỏe. Trong những ngày cao điểm phòng, chống dịch, đối với những bộ phận không cần gấp đơn hàng (như sản xuất bao bì, bông…), chúng tôi khuyến khích công nhân tạm thời nghỉ việc và được Công ty hỗ trợ lương - ông Nguyễn Văn Thời chia sẻ thêm.
Khảo sát thêm tại nhiều DN sản xuất trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy các đơn vị đều triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người lao động theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Điều này góp phần tạo tâm lý yên tâm cho người lao động, đồng thời giúp các DN tháo gỡ khó khăn gặp phải hiện nay, thực hiện hiệu quả hai nhiệm vụ song hành: Chống dịch và ổn định sản xuất.