Trăn trở cùng Điềm Mặc

08:33, 07/04/2020

Chúng tôi ngồi cùng nhau bên tập dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Điềm Mặc sẽ được trình và thông qua tại Đại hội lần thứ XXV khai mạc vào tháng 5 tới. Bí thư Đảng bộ xã Ma Đình Soạn, nhóm tuổi “6X”, trong tốp bàn giao; Chủ tịch UBND xã Phùng Văn Đăng, nhóm tuổi “8X”, trong tốp tiếp nối và tôi, nhà báo từng có ngót 40 năm gắn bó với nơi này được mời về, bên chén trà xuân ngan ngát, đàm đạo, trăn trở chuyện Đảng, chuyện quê hương…

Chuyện “vốn liếng, gia tài” lịch sử

Chúng tôi đều thống nhất chuyện “vốn liếng, gia tài” lịch sử cha ông để lại rất đồ sộ là điều hiển nhiên và khẳng định hơn 70 năm qua Điềm Mặc nói riêng, cả huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên tự hào là cái nôi của cách mạng và kháng chiến. Truyền thống, công lao và vinh dự ấy là vô cùng lớn lao, cũng đồng nghĩa là thế mạnh, đòn bẩy trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đúng là thế! Nếu không phải Điềm Mặc là mảnh đất lành thì không thể có chuyện sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, sau hơn 4 tháng vừa đi vừa chỉ đạo công việc, ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định cư ở Điềm Mặc, lấy ngọn đồi Khau Tý, nơi có “Tiện đường sang Bộ Tổng/ Tiện lối tới Trung ương/ Nhà kín mái thoáng gió/ Gần dân không gần đường”… Rồi trong bộn bề công việc, Bác vẫn hoàn thiện và cho in cuốn Sửa đổi lối làm việc, cuốn sách gồm 6 nội dung cơ bản, chỉ ra những hạn chế của cán bộ, đảng viên, phải sửa chữa ngay nếu không sẽ tác động đến sự tồn vong của Đảng. Cho đến nay, những điều Bác chỉ ra trong cuốn sách còn nguyên giá trị… Rồi trong sự căng thẳng của những ngày đầu cuộc kháng chiến trường kỳ, lãnh tụ, nhà thơ Hồ Chí Minh vẫn cho ra đời những vần thơ bất hủ: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”… Ngoài nơi Bác ở và làm việc trên đồi Khau Tý, trong diện tích hơn 1.600ha của Điềm Mặc có tới 28 di tích lịch sử (6 di tích cấp Quốc gia), nhiều di tích đặc biệt quan trọng như: Di tích Tổng bộ Việt Minh, Nơi ở của Bác, Di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam… Cho đến nay, tất cả các di tích đều đã được ghi danh và đầu tư nhưng do quản lý vĩ mô, do huyện, ngành, tỉnh chưa có chiến lược khai thác nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Nói cách khác, Điềm Mặc chưa khai thác, chưa có nguồn thu qua du lịch hay dịch vụ.

Một khó khăn không hề nhỏ đó là thiếu đất canh tác. Trong tổng số 1.600ha đất, chia bình quân cho hơn 5.000 người đã thấp thì gần 800ha trong số đó lại là rừng phòng hộ, đất di tích lịch sử. Mở mang sản xuất để thoát nghèo đã khó lại càng khó… Trách nhiệm trước Đảng bộ, trước 1.400 gia đình, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Điềm Mặc nhiệm kỳ 2015-2020 đã chủ động đề nghị cấp có thẩm quyền kiểm tra việc sử dụng quỹ đất, điều chỉnh để dân có thêm đất sản xuất…

Đường vào Di tích lịch sử quốc gia “Địa điểm thành lập Hội nhà báo Việt Nam” cách đây 70 năm ở thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, ATK Định Hóa (Ảnh tư liệu).

Thực hiện nhiệm vụ tốt, nhưng sáng tạo còn…

Vâng, chúng tôi đồng ý với nhau rằng kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của Điềm Mặc 5 năm qua là rất tốt. Có câu thơ rằng: “Năm năm với bấy nhiêu ngày/ Mà xem Điềm Mặc đổi thay cũng nhiều”… Minh chứng là sự đổi thay: Nhà xây mới nhiều hơn, đường xá bê tông hóa rộng rãi hơn, sinh hoạt của người dân đầy đủ, tiện ích nhiều hơn… Xã có 10 dân tộc nhưng 80% trong số 1.345 gia đình vẫn là người Tày định cư nhiều đời đoàn kết xây dựng quê hương.

Ở thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ, nhìn lại thấy còn nhiều thứ chưa hài lòng, yên tâm. Điềm Mặc mấy chục năm đi qua rồi nhưng câu đánh giá vẫn là kinh tế phát triển còn chậm do ngành nghề chủ yếu là trồng lúa nước (diện tích chân đồi, khe núi nhỏ lẻ), trồng chè (thế mạnh, vì nơi đây là vùng đồi núi thấp, đất đỏ mầu mỡ) nhưng toàn xã cũng chỉ vỏn vẹn 230ha (trong đó chè kinh doanh 210ha) hết sức phân tán, chế biến đơn giản, bán mua đơn thuần, giá thấp. Hộ nghèo còn 154 (11,41%), 130 hộ cận nghèo (9,63%)… Đảng bộ Điềm Mặc thuộc tốp mạnh của huyện Định Hóa, với 410 đảng viên (gần 10% dân số), sinh hoạt tại 16 chi bộ thực sự là hạt nhân lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ được giao… Kết quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị theo kế hoạch đối với Điềm Mặc như khái quát ở trên là đáng ghi nhận. Có điều, nhìn về phía trước, ở thời kỳ mới cần một tư duy bứt phá hơn thế. Nhiệm vụ mà Đảng giao cho từng đảng viên, đảng bộ và toàn Đảng thực hiện là làm sao cho dân giầu để nước mạnh. Điềm Mặc chỉ có thể bứt lên từ 3 thế mạnh mà nhiều địa phương khác mơ không thấy, tuy nhiên làm được phải có sự giúp đỡ mang tính chiến lược của huyện, tỉnh và cao hơn. Về du lịch lịch sử phải tranh thủ giúp đỡ của ngành chuyên môn đưa vào chuỗi hàng trình, vào tuor, tuyến, dân địa phương đa dạng sản phẩm nội tại để phục vụ. Cây chè phải đầu tư để thành vùng chè liên xã Sơn Phú, Điềm Mặc, Bình Yên… và phải cải tạo theo hướng trồng giống mới năng suất cao, chế biến sâu, tinh, vệ sinh theo quy chuẩn để có giá trị cao. Trồng rừng, chế biến lâm sản cũng là hướng đầu tư chiến lược của Điềm Mặc…

Mong sao hơn 400 đảng viên và gần 5.000 người dân Điềm Mặc cùng góp sức lực, trí tuệ; Mong các cấp, các ngành trong cả nước chung tay giúp cho vùng đất giầu truyền thống cách mạng bừng sáng. Những tâm tư, băn khoăn, trăn trở cho một vùng quê cách mạng ngày càng thêm giầu mạnh luôn là điều đáng trân trọng chính là như thế.