Sau 5 năm trở lại, tôi gặp một Trung Lương (Định Hóa) như vừa “lột xác”, bởi diện mạo tươi mới hiển hiện khỏa lấp những khó khăn của một thời. Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Đảng ủy xã tự hào: Địa phương vừa đi qua một chặng đường 5 năm với rất nhiều khó khăn để kiến tạo lại quê hương. Chủ yếu là xây dựng hạ tầng cơ sở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Hiện Trung Lương có hơn 1.200 hộ, hơn 4.400 nhân khẩu, thu nhập bình quân năm 2019 đạt 33 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm nhanh, từ 602 hộ năm 2015, đến hết năm 2019 cả xã còn 286 hộ. Tuy kinh tế còn chưa hết khó khăn, nhưng người dân Trung Lương có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống.
Là một trong những xã có xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp, đạt 9 tiêu chí năm 2014. Quyết liệt vào cuộc, cuối năm 2019 xã đạt thêm 5 tiêu chí. Theo số liệu tổng hợp của UBND xã: Tham gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân Trung Lương đã đóng góp hơn 3,5 tỷ đồng; tự nguyện hiến gần 16.000m2 đất và nhiều tài sản, công trình trên đất với tổng giá trị giá 31 tỷ đồng. Chia sẻ với nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức xã ủng hộ được hơn 40 triệu đồng cho xây dựng các công trình phúc lợi. Bằng tiền vốn hỗ trợ của Nhà nước và tiền huy động từ nhân dân, nhiều công trình xây dựng mới được thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đưa vào sử dụng có hiệu quả; các tuyến đường bê tông về xóm; hệ thống thủy lợi được xây bằng gạch, vữa xi măng tránh thất thoát nước; trạm biến áp và nhiều phòng học của Trường Tiểu học trên địa bàn xã được xây mới, sửa chữa, với tổng kinh phí xây dựng trên 19 tỷ đồng.
Giao thông thuận lợi, việc sản xuất của nhà nông vơi đi cực nhọc. Ông Hoàng Văn Minh (Khuẩn Hấu) cho biết: Trong sản xuất, cơ giới hóa đã đã từng bước thay sức người, như việc chế biến chè bằng máy; phát cỏ trên đồi rừng, vườn cây ăn quả cũng bằng máy. Sang khu đồng Thẩm Tang, tôi gặp bà Nguyễn Thị Hằng cùng một số nông dân đang chia sẻ với nhau về kinh nghiệm sản xuất lúa, ngô giống mới theo kỹ thuật VietGAP. Bà Hằng nói tự tin: Nông dân bây giờ không còn cực nhọc như thời các cụ. Hầu hết mọi công đoạn đều thực hiện bằng máy, kể từ khâu gieo xạ đến thu hoạch… Theo ông Hoàng Thanh Xuất, Chủ tịch UBND xã: 3 việc khó khăn nhất đối với nông dân là khoa học kỹ thuật, vốn đầu tư và kinh nghiệm sản xuất đều đã được giải quyết thỏa đáng thông qua các hội nghị tập huấn của cán bộ khuyến nông; chính quyền địa phương hướng dẫn, tạo cho hộ sản xuất tiếp cận với tiền vốn vay ngân hàng. Hiện, nông dân Trung Lương có dư nợ hơn 40 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Và từ phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, những hộ có kinh nghiệm sản xuất được phân công giúp đỡ hộ nghèo về kinh nghiệm thiết kế vườn bãi, đầu tư vốn hiệu quả... Tư duy sản xuất thay đổi, trong xã đã có mô hình cánh đồng 1 giống ở xóm Tân Lợi; một số xóm nông dân sản xuất lúa cải tiến theo kỹ thuật SRI (cấy 1 dảnh), thân lúa khỏe, năng suất cao, đầu tư thấp, góp phần ổn định tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 7.900 tấn/năm.
Cùng cây lúa, cây chè được quan tâm phát triển. Trung Lương có gần 81 ha chè đang cho thu hái, đạt sản lượng hơn 700 tấn chè búp tươi/năm. Để nâng cao giá thành cho sản phẩm chè, bà con nông dân vận động nhau tham gia sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP, dần khẳng định thương hiệu.
Trung Lương đang từng ngày khởi sắc, hướng tới đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2020. Tôi nghĩ như thế bởi… Lòng dân đồng thuận, mọi việc khó sẽ không còn khó.