“Huyền thoại sông và núi” - vở chèo do Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên (Đoàn) dàn dựng, tham gia Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc tháng 9-2019, tại tỉnh Bắc Giang được Ban Tổ chức trao 4 huy chương. Làm nên thành công cho vở diễn phải kể đến công sức của các các diễn viên trẻ, mới tốt nghiệp và đang đứng ngoài biên chế. Trong đó có Dương Thị Lan, vai “Nàng Công Hoa” được Ban Tổ chức trao Huy chương Bạc. Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Minh Chuyên, Phó Giám đốc Đoàn chia sẻ.
Cuối năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4363/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo, nghệ thuật cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016-2020”. Trên cơ sở đó, ngày 26/1/2016 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành công văn số 108/SVHTTDL-TCCB gửi Đoàn về việc rà soát, báo cáo thực trạng và nhu cầu đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công thuộc loại hình nghệ thuật chèo. Ngày 7/4/2016 Sở tiếp tục có Thông báo số 417/TBSVHTTDL giao nhiệm vụ cho Đoàn trực tiếp nhận hồ sơ, tổ chức sơ tuyển với chỉ tiêu được giao là 20 người.
Để hoàn thành nhiệm vụ tuyển sinh, Đoàn phân công cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên trực tiếp về các địa phương tìm hiểu phong trào quần chúng, qua đó phát hiện những học sinh có năng khiếu mời về Đoàn sơ tuyển. Sau gần nửa năm, Đoàn sơ tuyển được 15/20 chỉ tiêu tỉnh giao. Quá trình sơ tuyển chặt chẽ, nên khi về Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, các em đều vượt qua các bài thi năng khiếu và trở thành học sinh của Trường. Tuy nhiên sau 3 năm đào tạo (Từ tháng 9-2016 đến tháng 6-2019), qua sàng lọc chỉ còn lại 6/15 em tốt nghiệp trở về Đoàn, gồm: Nguyễn Trung Anh, Lê Anh Tuấn, Dương Thị Lan, Linh Phương Anh, Nguyễn Thị Thu Hà và Trần Việt Long.
Theo các quyết định của Bộ và của Sở thì nghiễm nhiên sau tốt nghiệp, các em sẽ là diễn viên đứng trong đội ngũ biên chế của Đoàn chèo Thái Nguyên. Nhưng do có sự thay đổi về công tác tổ chức, xắp xếp lại bộ máy biên chế cơ quan Nhà nước, Đoàn sát nhập vào Trung tâm Văn hóa, thành Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, dẫn đến việc các em không được xếp vào Đoàn như cam kết đào tạo, học tập trước đây. Bản thân các em cũng không biết mình sẽ đi về đâu khi tuổi học đường dành hết cho học chèo, đành mỗi ngày đến Trung tâm, xin với các cô, bác được tham gia các hoạt động tự nguyện. May mắn hơn thì được phân vai, tập vở, tỏ mặt sáng đèn như việc được tham gia vở chèo “Huyền thoại sông và núi”.
Thiết nghĩ, hầu hết các nghệ sĩ, diễn viên chèo của tỉnh trưởng thành đều trên cơ sở kinh nghiệm, thế hệ đi trước truyền đạt lại cho thế hệ đi sau. Nên với các trường hợp diễn viên được đào tạo bài bản, có phẩm chất, năng lực luôn cần có “đất dụng võ”. Hơn thế, các em được tỉnh cử đi, được Nhà nước đầu tư đào tạo theo địa chỉ, và các em đã trở về theo như cam kết ban đầu với các cấp, ngành chức năng của tỉnh.