Xóm Hạ, xã Yên Đổ (Phú Lương) có 76 hộ dân, với 95% số hộ là người dân tộc Tày. Xóm thuần nông này đang vươn lên từ chính nội lực của mình.
Xóm Hạ tháng 5, lúa bắt đầu điểm vàng trên cánh đồng, báo hiệu một vụ mùa thắng lợi của bà con nơi đây. Thong dong trên con đường bê tông dẫn vào xóm, chúng tôi như trốn được cái nắng nóng gay gắt của mùa Hè từ không khí mát mẻ, trong lành giữa màu xanh của cây lá. Mọi thửa đất, vạt đồi gần như không còn chỗ trống bởi được bao phủ bởi chè lai, keo. Giữa cái màu xanh là những ngôi nhà xây cao tầng vững chãi xen lẫn những nếp nhà sàn truyền thống.
Nói đến nhà sàn, Trưởng xóm Trần Xuân Báu dẫn chúng tôi đến trung tâm xóm, nơi có sân cỏ rộng hàng nghìn mét vuông. Nổi bật ở cuối sân là ngôi nhà sàn được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ. Anh Báu thông tin: Năm 2005, được cấp trên hỗ trợ cũng như nguyện vọng của bà con muốn lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của người Tày, xóm đã thống nhất làm Nhà văn hóa theo kiến trúc nhà sàn truyền thống. Năm 2013, xóm được Học viện Hậu cần (Bộ Quốc phòng) tài trợ 70 triệu đồng tu sửa, lợp mái tôn. Sân bãi rộng, chiều nào bọn trẻ cũng đá bóng, người lớn chơi thể thao.
Biết có khách về xóm, bà Hoàng Thị Ngân (77 tuổi, vợ liệt sĩ) nhà ngay sau Nhà văn hóa chống gậy đi ra góp chuyện: Xóm bây giờ khác xưa lắm rồi. Tôi còn nhớ trước đây xóm chỉ có mấy nóc nhà mà cách xa nhau lắm, tối còn chẳng dám xuống cầu thang vì sợ hùm beo vồ. Nay, đâu cũng thấy nhà đẹp, đường bê tông sạch sẽ, kinh tế nhà nào cũng khá lên, tôi mừng và thấy tin tưởng, biết ơn Đảng, chính quyền.
Từ Nhà văn hoá nhìn chếch sang, chúng tôi như bị choáng ngợp trước “biệt phủ” của gia đình ông Lương Minh Thơ. Căn nhà 3 tầng to, đẹp nhất xóm với lối kiến trúc hiện đại, có tổng chi phí xây dựng gần 2 tỷ đồng. Ông Thơ sinh năm 1946, là cựu thanh niên xung phong những năm 1961-1965. Ông từng có 10 năm làm Trưởng xóm Hạ (1970-1980). Gia đình ông hiện ở cùng vợ chồng con trai Hoàng Văn Thuỷ là điển hình về phát triển kinh tế ở địa phương. Gia đình ông không chỉ trồng hơn 6ha rừng, chè mà còn nhận khoán đất làm chè từ các hộ có đất nhưng thiếu lao động trong xóm. Lúc nông nhàn, các thành viên trong nhà còn làm thêm nhiều nghề phụ kiếm thêm thu nhập.
Anh Báu nói vui: Để làm giàu được như nhà ông Thơ thì hiếm nhưng hiện nay, xóm cũng đã có tới hàng chục căn nhà 2, 3 tầng. Một trong những yếu tố giúp bà con có cuộc sống khấm khá là trồng rừng (cả xóm có trên 70ha). Ở đây, hầu như nhà nào cũng có rừng trồng cây, nhà nhiều có đến 5, 6ha. Sau mỗi vụ thu hoạch cây, bà con thu về trên trăm triệu đồng/ha. Hộ anh Nông Thanh Lực, Tô Xuân Thuỷ… cũng “phất” lên từ rừng. Bên cạnh trồng rừng sản xuất, thì cây chè là cây mũi nhọn thứ hai đem lại thu nhập ổn định, đều đặn cho bà con. Những năm trở lại đây, người dân đã chủ động chuyển đổi từ cây chè hạt sang trồng chè cành, áp dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng.
Điển hình về làm chè ở xóm Hạ phải kể đến gia đình anh Trần Anh Đại. Ngay từ năm 2006, mặc dù hoàn cảnh còn khó khăn nhưng anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư chuyển đổi giống chè. Vừa làm vừa học, hễ có điều kiện anh lại san ủi đất đồi, cải tạo những mảnh ruộng thụt, bồi đất trồng chè. Anh Đại nói: Trước đây, sau mỗi lứa chè, hai vợ chồng phải chở xe máy ra chợ bán cho lái buôn với giá thấp. Nhưng từ khi đầu tư bài bản, làm đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chè làm ra đến đâu thương lái đặt mua hết đến đó với giá cao hơn từ 50 đến 70 nghìn đồng/kg.
Xóm Hạ ngày càng phát triển, một phần nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, phần do chính nỗ lực vươn lên của mỗi người dân. Cả xóm hiện chỉ còn 4 hộ nghèo (do thiếu lao động); tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đều đạt trên 98%, liên tục được công nhận là xóm văn hóa.