Khó khăn trong chuyển đổi mô hình quản lý chợ

14:58, 23/05/2020

Theo lộ trình, đến hết năm 2020, huyện Phú Lương phấn đấu sẽ hoàn thành chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý tại 8 chợ nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai còn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ.

Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý các chợ nông thôn, phát huy tiềm năng, lợi thế của chợ, tháng 6 - 2014,  UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 17/2014/QĐ UBND (QĐ 17) quy định quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Phú Lương có 12 chợ, trong đó có 1 chợ hạng II và 11 chợ hạng III, ngoài 2 chợ đã giao cho doanh nghiệp và hợp tác xã quản lý, các chợ còn lại giao ban quản lý, tổ, cá nhân phụ trách. Căn cứ QĐ 17 của UBND tỉnh, cuối năm 2018, UBND huyện Phú Lương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn huyện, giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, đến hết năm 2020, toàn huyện phải hoàn thành chuyển đổi 5 chợ theo QĐ 17 thông qua hình thức đấu thầu. Vừa qua, huyện tiếp tục có tờ trình đề nghị bổ sung thêm 3 chợ vào kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ giai đoạn 2018 - 2020. Như vậy, theo lộ trình, đến hết năm 2020, huyện phấn đấu chuyển đổi được 8 chợ nông thôn (trừ chợ Đu, Phấn Mễ thực hiện chuyển đổi theo hình thức cho thuê đất trong 50 năm). Đến nay, UBND huyện đang hoàn thiện các thủ tục để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh, khai thác và quản lý các chợ: Trào (ở xã Yên Đổ), Phú Đô, Vô Tranh trong tháng 5-2020.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Hà, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng: Hiện, tiến độ chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn còn chậm do gặp một số vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cụ thể, trong QĐ 17, UBND tỉnh hướng dẫn còn chung chung, chưa có mẫu về xây dựng phương án chuyển đổi; mẫu đánh giá hiện trạng tài sản chợ; chưa có hướng dẫn bộ tiêu chí để xây dựng hồ sơ mời thầu và đánh giá lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đấu thầu. Ngoài ra, trong quyết định cũng có một số nội dung mâu thuẫn với nhau. Ví dụ, tại Điều 3 quy định phương thức áp dụng chuyển đổi mô hình quản lý chợ là đấu thầu nhưng Điều 4 lại ghi là đấu thầu hoặc giao quản lý. Những vấn đề trên khiến Ban Chuyển đổi mô hình chợ cấp huyện gặp lúng túng, mất nhiều thời gian xây dựng hồ sơ và khó áp dụng vào thực tế.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện chủ yếu là chợ nông thôn với quy mô nhỏ, hoạt động theo phiên, doanh thu hàng năm còn hạn chế. Trong khi đó, theo QĐ 17, thời gian giao cho đơn vị trúng thầu quản lý chỉ từ 5 đến 10 năm. Điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư khi quyết định lựa chọn đầu tư xây dựng, cải tạo, quản lý chợ. Từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo Ban Chuyển đổi mô hình quản lý chợ huyện hoàn thiện các quy trình, thủ tục để đấu thầu các chợ: Trào, Phú Đô, Vô Tranh trong tháng 5-2020, nhưng đến nay chỉ có một số nhà đầu tư tham khảo, lấy thông tin và nộp hồ sơ dự thầu.

Ông Lý Văn Hoà, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn quốc tế và Xây dựng Hồng Phát cho hay: Hiện, chúng tôi đang tham gia dự thầu Dự án chuyển đổi mô hình quản lý tại chợ Trào, xã Yên Đổ. Chúng tôi mong tỉnh có cơ chế tăng thời gian quản lý cho doanh nghiệp lên khoảng 20 năm. Như vây, chúng tôi mới có thời gian tái đầu tư để thực hiện phương án kinh doanh hiệu quả, vừa đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, vừa phát huy được tiềm năng của chợ.

Những vướng mắc trong quá trình thực hiện đã được UBND huyện Phú Lương kiến nghị với sở, ngành liên quan của tỉnh từ giữa năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Chúng tôi mong UBND tỉnh sớm có văn bản điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong QĐ 17 đang còn bất cập. Ngoài ra, tỉnh cũng nên có cơ chế tăng thời gian quản lý cho doanh nghiệp trúng thầu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư.