Tháng 5, khi lúa trên đồng đã uốn câu, cây rừng xào xạc đón một mùa mưa mới, chúng tôi lại khao khát được về những bản làng người Tày, người Dao, người Mông… ở các xã vùng cao trong tỉnh để được đắm mình trong cảnh sắc tuyệt đẹp của núi rừng lúc hạ sang; được gặp gỡ và trò chuyện với những con người dám nghĩ, dám làm… Và những chuyến đi đã không làm chúng tôi thất vọng khi “thành quả” thu được là những câu chuyện vượt khó, vươn lên đầy “ngoạn mục”; là những tấm gương hết lòng vì tập thể đáng để chúng ta học tập và nhân rộng.
Bản Hạ Sơn Dao, xã Thần Sa (Võ Nhai) thật đẹp khi nằm trong thung lũng bốn bề là núi. Tuy nhiên, để đến được với bản vùng cao này không phải là chuyện dễ dàng bởi đường từ trung tâm xã vào bản nhiều đoạn gồ ghề sỏi đá, một bên là vực, một bên là vách đá dựng đứng như thử thách lòng kiên nhẫn của con người. Dù vậy, khi gặp anh Triệu Trung Lưu, vị trưởng bản người dân tộc Dao, 29 tuổi nhưng đã có tới 3 năm làm trưởng xóm, chúng tôi như quên hết những mệt nhọc vừa trải qua. Ở anh Lưu, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Anh Lưu bảo: Với khoảng 6 sào ruộng, 2 sào chè giống trung du và 2ha đất rừng được cha mẹ chia cho, sau 6, 7 năm “thành thân”, vợ chồng tôi đã phải chật vật mưu sinh nhưng mãi cũng chỉ đủ ăn. Vì thế, hơn 1 năm trước, khi Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện thực hiện mô hình trồng cây Gáo Vàng (loại cây khá mới mẻ với người dân Thái Nguyên), tôi đã đăng ký lấy 3.000 cây giống.
Thời điểm đó, cả bản chỉ có hai người mạnh dạn đăng ký nhận giống cây này. Các hộ đăng ký phải đối ứng 30% giá cây giống (1 cây giống giá 10.000 đồng) nhưng do đã mày mò, tìm hiểu rất kỹ về loại cây trồng này nên anh Lưu không hề lo lắng. Khi trò chuyện cùng chúng tôi, anh thuộc nằm lòng những đặc tính và ưu điểm nổi trội của cây. Anh bảo: Đây là một loại cây lấy gỗ, dễ trồng, chăm sóc, có tốc độ phát triển nhanh; có kết cấu đều, sợi gỗ thô dài, nhanh khô, khó nứt. Khi thu hoạch, cây sẽ đem lại lợi nhuận cao vì sản phẩm gỗ có thể dùng làm đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ, ứng dụng trang trí kiến trúc và là nguyên liệu rất tốt để làm ván sợi nhân tạo, ván MDF, bột giấy...
Tận mắt ngắm nhìn khu rừng Gáo Vàng của Lưu, chúng tôi không khỏi trầm trồ khi mới trồng hơn 1 năm mà thân cây đã khá to. Theo nhẩm tính của anh Lưu, chỉ khoảng 4 năm nữa là cây sẽ cho thu hoạch, mang lại cho vợ chồng anh khoản tiền vài trăm triệu đồng. Không dừng lại ở đó, cách đây hơn 3 tháng, anh Lưu phá bỏ hoàn toàn diện tích chè trung du đã thoái hóa, xuống cấp để trồng thay thế vào đó giống chè Kim Tuyên. Anh cho rằng, ở vùng cao, con đường đi lên làm giàu cũng giống như con đường vừa trải qua đợt mưa rừng xối xả, rất khó đi. Tuy nhiên, chỉ cần có niềm tin, ý chí, nghị lực của bản thân thì chắc chắn, đích đến sẽ không còn xa.
"Những tấm gương người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong phát triển kinh tế đã thể hiện ý chí, khát vọng, sự đổi mới trong tư duy và là nhựa sống nơi rẻo cao." Ông Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh |
Ở các bản làng vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người trẻ tuổi năng động không hiếm, nhưng những người đã bước sang U50, U60, U70 vẫn hăng say làm kinh tế cũng xuất hiện khá nhiều. Người ta nói “gừng càng già càng cay” quả không sai khi mà ông Hà Ngọc Vương, xóm Đồng Đau, 66 tuổi, người dân tộc Tày ở xã Định Biên (Định Hóa) còn mạnh dạn hơn cả lớp trẻ. Gần chục năm trước, khi nhiều hộ dân trong xã còn đang “dò dẫm” tìm hướng đi cho phát triển kinh tế thì ông đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tổng hợp. Ngoài đầu tư cả một mẫu ao thả cá, cấy giống lúa lai, ông còn mạnh dạn trồng cây màu vụ đông, đầu tư trồng rừng sản xuất, chăn nuôi lợn… Nhờ đó, hàng chục năm qua, ông luôn duy trì thu nhập ổn định trên 120 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí). Thành quả ông có được những năm qua không phải từ “trên trời rơi xuống” mà chính là nhờ vào sự nhạy bén trong đổi mới tư duy.
Để đáp ứng nhu cầu về cây giống phục vụ trồng rừng, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đầu tư vườn ươm. Trong ảnh: Vườn ươm giống keo lai của một hộ dân ở bản Hạ Sơn Tày, xã Thần Sa (Võ Nhai).
Trong một câu chuyện khác, ông Chu Văn Ngoan, dân tộc Nùng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xóm La Đùm, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) lại mang đến một “nốt nhạc” vui, vang vọng giữa núi rừng. Chưa cần nói về những nỗ lực ông đã vượt qua để vươn lên làm giàu, có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm mà chỉ nói đến những đóng góp của ông trong việc tuyên truyền vận động bà con đoàn kết, chủ động phát triển kinh tế gia đình cũng khiến chúng ta cảm phục và yêu mến. Ông bảo: Hơn hai mươi năm trước, gia đình tôi và cả các hộ dân trong xóm gặp nhiều khó khăn lắm. Hồi ấy, đường giao thông trong xóm đều là đường đất, hễ mưa là lầy thụt, nhầy nhụa, còn khi nắng thì bụi bặm nên việc đi lại, thông thương hàng hóa gian nan vô cùng. Lam lũ trên đồng ruộng, gắn bó với cây lúa, cây ngô nhưng cuộc sống của chúng tôi chưa bao giờ hết khó.
Bởi vậy, khoảng năm 2000, khi được bầu làm trưởng xóm, ông đã “nhờ cậy” chính quyền địa phương đưa nhiều chương trình, dự án như trồng rừng sản xuất; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt đến với La Đùm. Thông qua đó, người dân nơi đây đã dần thay đổi tư duy trong làm ăn, tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, đưa giống ngô lai, lúa lai vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, ông còn tích cực giúp đỡ những hộ nghèo của xóm. Nhận thấy gia đình ông Phạm Ngọc Thái có đất (8ha rừng, 1ha chè, gần 1 mẫu ruộng), có lao động nhưng chưa tìm ra được hướng phát triển kinh tế phù hợp, ông Ngoan đã truyền kinh nghiệm làm ăn cho người hàng xóm. Nhờ đó, ông Thái đã tập trung phát triển mô hình kinh tế trồng trọt kết hợp với chăn nuôi gia trại (2.500 con gà/lứa), mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2015, gia đình ông Thái không chỉ thoát nghèo mà còn xây dựng được ngôi nhà hai tầng khang trang.
Phải nói rằng những chuyến đi vùng cao đã cho chúng tôi trải nghiệm thật tuyệt vời, giúp chúng tôi hiểu hơn về những mảnh đất và con người nơi rẻo cao. Thực tế sinh động từ cuộc sống đã chứng minh cho sự bền bỉ vươn lên của người dân ở những bản, làng xa xôi còn nhiều gian khó nơi mảnh đất Thái Nguyên này. Ông Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho hay: Chỉ trong vòng 3 năm qua, Thái Nguyên đã xuất hiện hơn 500 tấm gương người dân tộc thiểu số tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình. Thành công của họ dù còn khiêm tốn hơn so với nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu trong toàn tỉnh nhưng với xuất phát điểm thấp; điều kiện canh tác không thuận lợi, giao thông đi lại khó khăn thì đây chính là nỗ lực rất đáng ghi nhận, góp phần tô điểm cho “bức tranh” vùng cao thêm sáng tươi.