Tự trách

07:53, 24/05/2020

Cuộc sống với bao vất vả, lo toan cuốn lấy tôi trong những toan tính cơm, áo, gạo, tiền... khiến tôi vô tình không thể nhớ tới những điều không nên quên. Và chuyện của Tuấn là một trong những điều như vậy.

Tuấn và con trai tôi chơi thân với nhau từ khi bọn trẻ cùng vào học cấp hai. Tuấn có hoàn cảnh rất khó khăn, mẹ mất khi Tuấn 5 tuổi, cậu em trai mới lên 2. Bố Tuấn vất vả mưu sinh, “gà trống nuôi con” suốt bao năm trời vì không muốn hai con sống cảnh “dì ghẻ con chồng”... Từ ngày vợ mất, bố Tuấn chưa một ngày được sống cho riêng mình, cuối cùng lại đột ngột ra đi không một lời trăn trối để lại hai đứa con thơ bơ vơ trên cõi đời. Từ đó, Tuấn trở thành người đàn ông “trụ cột gia đình” khi mới 15 tuổi.

Nhờ sự động viên của cô giáo, bạn bè, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, nhà trường, bà con chòm xóm... Tuấn và em trai may mắn tiếp tục được đến trường. Học hết lớp 12, Tuấn đành từ bỏ ước mơ tu học, đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi em. Cuộc sống mưu sinh vất vả của cậu bé mồ côi khiến tôi không ít lần thầm rơi nước mắt, cảm thấy những sự giúp đỡ âm thầm nhỏ nhoi của mình không thể nào lấp đầy những khoảng trống về vật chất cũng như tinh thần đối với Tuấn. Và điều tôi trân quý nhất ở cậu bé mồ côi là dù nghèo nhưng sống rất có tự trọng.

Từ ngày bố mất, Tuấn rất ít khi đến nhà tôi chơi. Tôi muốn cho Tuấn thứ gì phải nói khó lắm cháu mới nhận. Con tôi bảo: Mẹ càng cho quà thì Tuấn càng không dám đến nhà mình chơi nữa... (chính vì thế nên tôi chỉ có thể âm thầm giúp đỡ hai anh em Tuấn phần nào.) Thời gian trôi, con trai tôi vào năm nhất đại học. Còn Tuấn sau khi tốt nghiệp cấp 3, đã đi làm thuê cho một quán ăn của một người họ hàng ở tận Hải Phòng. Có lẽ điều đó khiến tôi phần nào yên tâm nên không còn “âm thầm giúp đỡ” cháu nữa. Cuộc sống, công việc... bộn bề khiến tôi cũng dần quên cậu bé mồ côi khốn khổ.

Dịch COVID bùng phát khiến cả thế giới chao đảo. Tôi lo lắng, chăm sóc, bảo vệ cho gia đình nhỏ bé của mình; cảm thông, chia sẻ với nhiều hoàn cảnh đáng thương do bị mất việc làm, thất nghiệp, bị thiếu ăn trong lúc cách ly xã hội... nhưng lại quên Tuấn. Một ngày gần đây, trong bữa ăn, con trai tôi ấp a ấp úng khi đặt vấn đề với mẹ: - Mẹ ơi, con có thể... con...

- Có chuyện gì mà khó nói thế? Với mẹ, con cứ thoải mái nói những điều khó khăn nhất!”

- Con có thể mang bao gạo mẹ mua dự trữ và mấy thùng mỳ tôm cho Tuấn được không?

Tôi im lặng giây lát vì bất ngờ và xúc động. Tại sao tôi có thể quên được hoàn cảnh đáng thương của một cậu bé là người bạn tốt của con trai mình trong giai đoạn rất cần sự giúp đỡ như thế? Tôi thấy mình có lỗi.

- Mẹ không đồng ý sao?

- Không. Không phải thế! Mẹ đồng ý! Con mang đến nhà cho Tuấn ngay chiều nay nhé!

- Dịch bệnh xảy ra, Tuấn phải nghỉ làm ở quán ăn suốt từ Tết tới giờ mẹ ạ! Cuộc sống khó khăn lắm vì vẫn chưa xin được việc làm. Con cũng không giúp được bạn nhiều... Lần này mẹ giúp bạn nhé!

- Con trai, mẹ rất mừng là con luôn nhớ tới bạn, cảm thông, chia sẻ với bạn... Chỉ là mẹ nhất thời không nghĩ ra, con thông cảm cho mẹ nhé! Con người sống là phải biết yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ với những người khó khăn hơn mình, trong khí đó Tuấn lại là bạn tốt của con. Mẹ rất vui và hạnh phúc vì con đã không quên bạn trong khó khăn! 

Nhiều ngày sau, lòng tôi cứ day dứt mãi.