Những năm gần đây, tệ nạn ma túy đang từng bước được đẩy lùi, hạn chế phát sinh trên địa bàn tỉnh. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành chức năng, sự chung tay của cộng đồng xã hội. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn bà NGUYỄN THỊ QUỲNH HƯƠNG, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.
P.V: Từng một thời là “điểm nóng" về ma túy trên cả nước, nhưng những năm gần đây, tệ nạn ma túy đang từng bước được đẩy lùi, hạn chế phát sinh trên địa bàn tỉnh. Bà có thể cho biết nguyên nhân và những kết quả đạt được của tỉnh trong công tác này thời gian qua?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo, đề ra được nhiều chủ trương, giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy. Các cấp, ngành chức năng của tỉnh phối hợp vào cuộc, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người dân về tác hại và hiểm họa của ma túy. Bình quân 1 năm, các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh thực hiện cai nghiện cho hơn 1.000 người. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy. Các tụ điểm liên quan đến ma túy được giải quyết dứt điểm, do vậy trên địa bàn tỉnh không có các tụ điểm buôn bán, tổ chức sử dụng ma túy gây bức xúc dư luận.
P.V: Phòng, chống ma túy không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng Nhà nước, mà được coi là trách nhiệm của toàn dân. Vậy, thực tế nhân dân trong tỉnh đã vào cuộc như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Để mọi người dân chung tay, góp sức, tích cực tham gia phòng, chống ma túy, các cấp, ngành chức năng của tỉnh linh hoạt lồng ghép công tác phòng, chống ma túy với các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng cơ quan văn hóa; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Nói không với ma túy và các tệ nạn xã hội… Gắn vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc xây dựng, gìn giữ địa bàn không có ma túy; không phát sinh người nghiện mới. Tạo lòng tin cho người dân khi tố giác tội phạm buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 200 mô hình câu lạc bộ, với hơn 30.000 thành viên (có người là thành viên của nhiều câu lạc bộ) về “Gia đình 4 chuẩn mực”; “Tư vấn pháp luật”; “Trợ giúp pháp lý”; phòng, chống ma túy và giáo dục đồng đẳng. Đặc biệt, có hàng trăm khu dân cư xây dựng, duy trì có hiệu quả hòm thư tố giác tội phạm, phát huy được vai trò giám sát của nhân dân trong phòng chống, kiểm soát ma túy.
P.V: Bà có thể cho biết cụ thể hơn về những khó khăn, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện trên địa bàn tỉnh?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Phần lớn người dân đã có nhận thức đầy đủ về tác hại và hậu quả khôn lường do ma túy gây nên. Nhiều gia đình có người thân liên quan đến ma túy đã chủ động khai báo, đề nghị cơ quan chức năng bắt giữ, đưa đi cai nghiện tập trung hoặc nhờ địa phương hỗ trợ cho cai nghiện tại nhà. Tuy nhiên, hoạt động cai nghiện ma túy chủ yếu dừng lại ở khâu tuyên truyền, vận động, chưa tập trung rà soát, tư vấn, đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch cai nghiện cho người nghiện ma túy cai nghiện. Nguyên nhân do các thành viên Tổ công tác cai nghiện cấp xã chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách nên việc bố trí thời gian triển khai các hoạt động chuyên môn chưa được thường xuyên. Một số trường hợp là người nghiện, gia đình người nghiện chưa thực sự thay đổi trong nhận thức: Nghiện ma túy là một căn bệnh có thể cai, chữa được, nên chưa tự giác khai báo, không tự nguyện đi cai nghiện. Nhiều gia đình còn bao che, không hợp tác với các cơ quan chức năng, không quan tâm đến việc cai nghiện cho con em, người thân của mình.
P.V: Từ thực tế hiện nay cho thấy tệ nạn liên quan đến ma túy vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Vậy, tỉnh có giải pháp ngăn chặn như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, với vai trò, chức năng của ngành, Sở tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về phòng ngừa tội phạm ma túy; nhóm giải pháp mang tính đấu tranh chống tội phạm ma túy và nhóm giải pháp mang tính chăm sóc, tư vấn hỗ trợ người nghiện ma túy sau cai nghiện; Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh; phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị liên quan tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, như phát động Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy. Tập trung tuyên truyền, triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Đẩy mạnh hoạt động phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; xây dựng xóm, tổ dân phố và gia đình không có tệ nạn xã hội; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục người nghiện tại cộng đồng dân cư, phối hợp với ngành chức năng lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp đỡ người nghiện ma túy sau cai; phòng, chống tái nghiện, tái phạm, tạo thuận lợi cho người nghiện có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.
P.V: Xin cảm ơn bà!