Trồng cây xanh trên các tuyến đường, phố của T.P Thái Nguyên đã góp phần tạo cảnh quan, điều hòa không khí trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, khi thời tiết có mưa bão, cây xanh đô thị lại là mối họa, có nguy cơ gây tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông khi bị đổ, gẫy cành...
Trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện có gần 8.000 cây xanh các loại được trồng qua nhiều thời kỳ. Trong đó, có một số tuyến đường, phố, như: Đội Cấn, Nguyễn Du, Nha Trang, Thống Nhất, Cách mạng Tháng Tám… nhiều cây xanh đã trồng được vài chục năm, đường kính gốc lên đến cả mét, tán rất rộng. Nhờ có lượng cây xanh này mà trong những ngày hè nóng bức vừa qua không khí ở Thành phố được điều hòa nên đỡ oi bức hơn. Lợi ích thiết thực là vậy nhưng một số hộ dân sống gần những cây xanh cổ thụ và người đi đường lo ngại việc cây xanh gãy cành, đổ khi có dông lốc. Chị Nguyễn Thị Bích Hòa ở phường Phan Đình Phùng cho biết: Khi đèo con đi học qua hàng cây phượng trên đường Nha Trang đến Trường Tiểu học Trưng Vương vào những thời điểm có mưa gió tôi rất lo cây đổ ra đường gây tai nạn.
Khi tìm hiểu về số lượng cây xanh đô thị của T.P Thái Nguyên, chúng tôi thấy việc người dân lo ngại là có cơ sở. Hiện trên một số tuyến đường, phố của T.P Thái Nguyên có khoảng 50 cây phượng đã già cỗi, nhiều chỗ trên thân cây xuất hiện điểm sâu thối, tổ đỉa, gốc bị nổi cao do nhiều lần hạ thấp vỉa hè. Những cây phượng cao lớn, hoa đang đỏ rực thì chặt bỏ thật tiếc nhưng quả là nguy hiểm khi dông lốc bất thường như những ngày vừa qua.
Nguy hiểm hơn là trên đường Nha Trang hiện có cây xà cừ cổ thụ sau đợt cắt cành cuối năm 2019 đã bị chết khô, cần sớm phải chặt bỏ để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, cơ quan quanh khu vực. Trao đổi về vấn đề này, đại diện Ban Dịch vụ công ích T.P Thái Nguyên thông tin đã khảo sát, xác địch cây xà cừ cổ thụ trên đường Nha Trang không còn khả năng hồi phục nên sẽ phối hợp với Phòng Quản lý đô thị hoàn tất hồ sơ để xin UBND T.P Thái Nguyên cho chặt hạ, trồng cây xanh khác thay thế. Đồng thời, Ban Dịch vụ công ích T.P Thái Nguyên sẽ rà soát toàn bộ cây xanh cổ thụ có tán rộng nguy cơ đổ, gẫy để cắt tỉa hoặc trồng thay thế.
Sau vụ việc cây đổ khiến 1 học sinh tử vong và nhiều học sinh bị thương tại một trường học trên địa bàn T.P Hồ Chí Minh, Phòng Giáo dục và Đào tạo T.P Thái Nguyên đã yêu cầu các trường từ bậc học mầm non đến THCS trên địa bàn kiểm tra, rà soát cây xanh có nguy cơ gẫy, đổ để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, tiến hành chặt tỉa, trồng thay thế. Khó khăn nhất trong việc cắt tỉa, trồng thay thế cây xanh đô thị tại T.P Thái Nguyên là không thể thực hiện đồng loạt vì nguồn kinh phí lớn, ít nhiều ảnh hưởng tới mỹ quan, giảm công năng điều hòa không khí. Cùng với đó là mỗi dịp cơ quan chuyên môn của T.P Thái Nguyên tiến hành cắt tỉa hoặc trồng thay thế những cây xanh có nguy cơ gẫy cành, đổ đều vấp phải sự phản đối của một số người dân khi chụp hình đưa lên mạng với những lời lẽ, bình luận không hay, tạo dư luận xấu.
Việc cắt tỉa, trồng thay thế cây xanh để đảm bảo hành lang lưới điện, an toàn cho người dân vào mùa mưa bão là việc làm đúng, nên được UBND T.P Thái Nguyên triển khai thường xuyên. Những ý kiến chưa đúng mực chỉ là của số ít người dân do chưa hiểu được ý nghĩa của việc làm này.