Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Võ Nhai hiện có trên 10 nghìn hội viên, trong đó hội viên dân tộc thiểu số chiếm gần 70%. Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ huyện luôn đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, hướng hoạt động về các cơ sở đặc thù nhằm thu hút hội viên người dân tộc thiểu số tham gia và gắn kết với tổ chức Hội.
Chị Hoàng Thị Dịu, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Võ Nhai cho biết: Trước đây, việc vận động phụ nữ người dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt hội gặp nhiều hạn chế do điều kiện kinh tế, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều chị em không biết chữ, hoặc chưa nói được tiếng phổ thông, một số khác bị ràng buộc bởi nếp sống gia đình… Để khắc phục tình trạng đó, Hội LHPN huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức sinh hoạt nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, nhất là các ngày lễ của Hội; lồng ghép các nội dung tuyên truyền với hoạt động khám và tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản định kỳ hàng tháng cho chị em… Hình thức tuyên truyền cũng được đổi mới, thay vì tuyên truyền bằng văn bản như trước đây, giờ đã được các cấp hội thực hiện bằng hình thức toạ đàm, hội thi, sân khấu hóa bằng các tiểu phẩm, giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các cậu lạc bộ (CLB), chi hội theo từng chuyên đề cụ thể.
Một trong những hình thức sinh hoạt nổi bật của các cấp hội LHPN Võ Nhai để thu hút chị em tham gia sinh hoạt là thành lập và duy trì các mô hình phù hợp với bản sắc dân tộc, điều kiện kinh tế, tập quán sinh hoạt từng vùng miền. Tiêu biểu như: CLB “Hát ru” xóm Khe Nọi và CLB “Phụ nữ gìn giữ bản sắc trang phục dân tộc Dao” xóm Khe Rịa, xã Vũ Chấn; CLB “Văn nghệ quần chúng” xóm Đồng Đình, xã La Hiên; CLB “Hát then - Dân ca” bản chấu, xã Sảng Mộc; CLB “Hát si - Hát lượn của người Dao” ở xóm Kẹ, xã Liên Minh…
Chị Ma Thị Chiên, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Vũ Chấn cho biết: Xã Vũ Chấn có trên 500 hội viên, 100% hội viên là dân tộc thiểu số. Các CLB của phụ nữ đi vào hoạt động, không chỉ là nơi gặp gỡ giao lưu, truyền dạy, lưu giữ bản sắc dân tộc của người Dao mà còn là hình thức hiệu quả để thu hút, tập hợp hội viên dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt Hội. Thông qua CLB, các thành viên đều thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, sắp xếp đồ dùng ngăn nắp, ăn ở hợp vệ sinh.
Nhận thấy các mô hình sản xuất của chị em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, do vậy để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thời gian qua, các cấp hội LHPN huyện đã tập trung vào các giải pháp như: Hỗ trợ chị em vay vốn, mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; phát triển nghề phụ để tạo việc làm và giới thiệu việc làm giúp chị em có thu nhập ổn định. Ngoài ra, các cấp hội cũng hỗ trợ thành lập các CLB bộ phát triển kinh tế, tiêu biểu như: CLB “Phụ nữ dân tộc Mông làm khuyến nông” xã Dân Tiến, Hợp tác xã Nông sản an toàn Liên Minh; Làng nghề chè truyền thống xóm Ba Nhất…
Chị Hoàng Thị Công, dân tộc Mông, Chi hội Phụ nữ xóm La Mạ chia sẻ: Năm 2016, được sự hỗ trợ, tư vấn của Hội LHPN xã, tôi vay 30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để nuôi 1 con bò vỗ béo. Sau 1 năm, trừ vốn mua bò giống, gia đình tôi thu lãi trên 10 triệu đồng. Thấy chăn nuôi có hiệu quả, đầu năm 2020, tôi mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng nữa để đầu tư xây dựng chuồng trại, ao cá và nuôi thêm 3 con trâu, 2 con bò vỗ béo. Hiện nay, cả trâu và bò đã có thể xuất bán, giúp gia đình tôi không còn quá lo lắng về kinh tế và có điều kiện chăm lo cho con cái học hành.
Bên cạnh đó, các cấp cán bộ phụ nữ trên địa bàn cũng trực tiếp xuống từng hộ dân để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn hội viên thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Đặc biệt, vận động chị em thay đổi thói quen trong sinh hoạt, có những cách làm thân thiện với môi trường như: Hướng dẫn cách ủ phân vi sinh, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; hỗ trợ bếp đun tiết kiệm năng lượng miễn phí cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ xây dựng lò đốt rác gia đình… Các cấp hội cũng đứng ra vận động nguồn lực để xây dựng 5 nhà Mái ấm tình thương cho hội viên nghèo. Nhờ những hoạt động trên, năm 2019, các cấp Hội đã giúp được 30 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo; giúp 57 hội viên có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng 4 mô hình tạo việc làm tại chỗ cho 160 lao động có việc làm thường xuyên (với mức thu nhập 5 triệu đồng/thàng); tỷ lệ tỷ lệ thu hút hội viên năm 2020 đạt 81%. (tăng khoảng 20% so với năm 2010). Các cấp hội phụ nữ đã trở thành địa chỉ tin cậy, nơi để chị em gắn kết và khẳng định bản thân, đó cũng là tiền đề để duy trì và phát triển tổ chức Hội vững mạnh.