Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Thái Nguyên, một mái ấm nặng tình bao dung, từng cưu mang bao phận người không nơi nương tựa. Dưới mái ấm ấy, niềm tuyệt vọng nguôi đi cho hạnh phúc nảy mầm; cho mảnh đời éo le được thực sự sống như con người. Và có những phận đời nương tựa vào nhau, dần thân quen như ruột thịt. Để mỗi ngày khi bình minh gọi mặt trời, là lúc hy vọng ấp ủ trong mỗi người được nhân lên.
Nói về công việc của đội ngũ cán bộ đang làm việc tại Trung tâm, có người bảo vì nợ; người bảo vì duyên, nhưng tôi nghĩ là phúc. Bởi đó là nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi; người khuyết tật không nơi nương tựa; trẻ mồ côi; trẻ bị bỏ rơi, con phạm nhân, trong số đó có nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo cần được cưu mang. “Cứu một người phúc đẳng hà sa”. Lời người xưa dạy đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Trước khi về đây, nhiều công dân “nhà tôi” đã có một quãng đời lay lắt, sống vạ vật cùng đói và lạnh. Nhiều người mang tâm tính lầm lì, tự ty, cục cằn, khó tiếp xúc. Nhưng bằng sự kiên trì, thái độ gần gũi, ân cần của đội ngũ cán bộ, viên chức, công chức, người lao động ở Trung tâm đã giúp những mảnh đời không may mắn ấy nhìn cuộc đời đáng mến hơn.
Đã sinh ra được làm người thì có ai muốn chết đâu. Tôi nghĩ như vậy khi trò chuyện với những cảnh đời kém may mắn. Bởi cả lúc đói khát đến cùng cực, hoặc khi bệnh tật phát tác đau đớn run người, họ cố gượng dậy để chạy trốn lời chào mời của thần chết. Thấy cảnh vạ vật, nhếch nhác, chính quyền địa phương đã làm các thủ tục pháp lý để gửi gắm họ vào Trung tâm. Anh Nguyễn Đức Dân, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Hiện, Trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng 96 trường hợp, trong đó có 72 người cao tuổi và 24 trẻ em. Người cao tuổi nhất là cụ Dương Thị Bài, 103 tuổi. Non nớt nhất là cháu Nguyễn Văn Huy, 9 tháng tuổi.
Chị Hà Thị Tuyết dạy cho các con tập hát.
Thấy chúng tôi, bé Huy vịn thành cũi đứng dậy, cười toét miệng. Chị Hà Thị Tuyết, cán bộ trông nom nhóm trẻ nói vui: Các con em đứa nào cũng thế, từ lúc còn ẵm ngửa đã biết làm thân với khách đến thăm. Các cụ bảo là nhờ “mụ dạy” cho các cháu tìm cửa sống, tức là nếu may mắn sẽ có ai đó nhận về làm con nuôi… Tôi lặng lẽ nhìn ngắm những thiên thần tội nghiệp, vô tư. Các bé còn rất nhỏ nhưng đã mang một câu chuyện dài về thân phận. Ví như bé Huy, một đứa trẻ bị cha mẹ ruồng bỏ lúc 4 ngày tuổi. Đáng lý mỗi ngày cháu được uống dòng sữa ngọt ngào cùng lời ầu ơ ru hời của mẹ. Nhưng mẹ bọc bé vào mớ rẻ, ném ra ngoài đời cho kiến cắn, muỗi đốt, phó mặc vào số phận rủi may. Bé được sống bởi dòng sữa của tình người bao dung. Rồi như cụ Bài, gần 20 năm sống ở Trung tâm, cụ được Chủ tịch nước tặng vải lụa hồng may áo. Cụ minh mẫn, nói cười sảng khoái như cuộc đời chưa bao giờ biết buồn.
Chị Trịnh Thị Lan Phương, Phó phòng Quản lý, chăm sóc và Nuôi dưỡng đối tượng cho biết: Để cuộc sống của các cụ, các em không tẻ nhạt, hằng ngày, Trung tâm tổ chức hướng dẫn cho các đối tượng tập thể dục; tập hợp theo nhóm sở thích để trò chuyện, chia sẻ tâm tư tình cảm; tổ chức dọn dẹp vệ sinh. Rảnh rỗi, các cụ khỏe hơn xuống nhà bếp giúp cấp dưỡng nhặt rau, nấu ăn; các em nhỏ trong độ tuổi đi học được các mẹ đưa đến trường. Người khỏe giúp người yếu, bát cơm san siu theo định suất, tạo không khí thân thiện, vui vẻ, gắn bó. Chị Trạc Thị Vân Hà, Phó Phòng Công tác xã hội và Phát triển Cộng đồng cho biết: Ngoài đời, các cụ cũng như những bé em đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Nên chúng tôi không nỡ để các cụ, các em phải thêm một lần bất hạnh.
Chúng tôi hiểu các anh chị ở Trung tâm không chỉ làm việc hết trách nhiệm, mà bằng lương tâm của con người dành cho con người. Không câu nệ việc truy tìm gốc tích đối tượng, mà chỉ biết hoàn cảnh thời điểm Trung tâm nhận về. Ví như trường hợp bà Nguyễn Thị Gái (họ tên do cán bộ Trung tâm đặt). Bà không biết mình là ai, ở đâu, cứ lang thang cho đến một ngày quỵ xuống, được người qua đường đưa vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cấp cứu, rồi được chính quyền địa phương giao cho Trung tâm quản lý nuôi dưỡng. Có điều là bà Gái là người không biết nói tiếng Việt Nam; không biết ăn bằng đũa, nên cán bộ Trung tâm phải dày công hướng dẫn. Với trường hợp bà Bùi Thị Lạc, vì quen với việc ăn bụi, ngủ bờ nên vào Trung tâm đến nay đã 7 năm, bà vẫn quen việc sử dụng nước cống rãnh tắm giặt. Mỗi lần phát hiện, cán bộ Trung tâm lại phải thủ thỉ: Mẹ ơi, nhà có bể nước sạch. Mẹ về tắm giặt lại cho con nhờ.
Ngọt ngào dỗ dành, vẫn có cụ bỏ Trung tâm đi lang thang. Khó là ở chỗ chẳng cụ nào có địa chỉ để về. Bước chân mơ hồ đưa đi đến đói lả, lại bới rác tìm ăn hoặc đứng bên đường ngửa tay xin tiền. Có khi nửa năm sau cán bộ Trung tâm mới tìm thấy, mừng rơn: “Mẹ ơi, bố ơi về nhà thôi”. Người qua đường chứng kiến, mắt lảng nhìn đi chỗ khác, cảm thông. Cụ Nguyễn Xuân Luyện, 90 tuổi khoe: Hôm Tết Nguyên đán 2020, tôi được Trung tâm tổ chức mừng thượng thọ. Vui lắm. Vâng! Mừng cho cụ. Cụ từng ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang. Cụ bỏ đi và bây giờ đang ở đại gia đình này. Cầm cuốn từ điển Anh - Việt dày cộp, cụ chào tôi bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp. Rồi cụ lại khoe bằng tiếng Việt: Tôi biết nói hai ngoại ngữ, biết vẽ tranh truyền thần; ngày còn trẻ từng làm thơ, viết báo.
Đôi mắt cụ ánh lên niềm hạnh phúc. Thời trẻ trung của cụ ùa về như làn gió mỏng, tan vụn bởi tiếng bọn trẻ nô nghịch dưới sân. Bọn trẻ hồn nhiên mà bao người lớn đến đây lòng thắt lại. Trong tổng số 24 cháu, thì có 14 cháu bị khuyết tật. 10 cháu lành lặn thì có 7 cháu là con của phạm nhân đang chấp hành cải tạo ở Trại giam Phú Sơn 4. Đau đớn nhất phải kể đến trường hợp cháu Nguyễn Văn Khánh, 12 tuổi thì có hơn 10 năm ở Trung tâm. Cháu hai lần bị người thân ruồng rẫy. Lần một khi mới cất tiếng khóc chào đời là bố mẹ đẻ. Lần hai là bố mẹ nuôi từ chối trách nhiệm. Khánh mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều thời gian phát bệnh, gầy tọp, chỉ còn da bọc xương. Sau mỗi lần ở bệnh viện trở về, các mẹ ở Trung tâm lại vận động nhau quyên góp, mua thêm chục trứng, hộp sữa bồi bổ cho Khánh mau hồi phục sức khỏe. Với Hoàng Thị Yến, hiện là sinh viên Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên). Yến xúc động: Trung tâm là mái ấm; các bác, các cô, chú ở Trung tâm là bố mẹ sinh ra cháu lần thứ hai. Cháu luôn cố gắng học thật tốt để sau này có cơ hội giúp đỡ những người nghèo khổ trong xã hội.
Không ai khổ hơn trẻ mồ côi. Tôi đã lớn lên trong vòng tay của lòng nhân ái bao dung. Tôi thấm thía nỗi hờn tủi của một đứa trẻ không được mẹ cho bú. Và tủi thân khi đến lớp bạn hỏi bố đâu. Dòng sữa của tình người bao dung nuôi tôi lớn khôn. Nghĩa cử cao đẹp của các bác, các cô chú ở Trung tâm là tấm gương cho tôi học làm người. Chị Lý Thị Dung, hộ lý ở Trung tâm bùi ngùi kể. Và tôi biết chị đã vượt qua rất nhiều khó khăn trên trường đời để trở thành một nữ hộ lý làm việc tại chính nơi mình gắn bó tuổi thơ. Chị trở thành nơi nương tựa cho bao phận người cô đơn. Và mỗi ngày, những bé em hồn nhiên gọi chị là MẸ.