Nghĩ về hiệu ứng báo chí

16:43, 20/06/2020

Hiệu ứng là gì, “anh” Google đã mang đến cho tôi câu trả lời rất trìu tượng: Là sự biến đổi của một hệ nào đó khi tác động của một tác nhân nhất định. Còn trong cuộc sống, chúng ta thường nghe thấy các cụm từ như hiệu ứng nhà kính, hiệu ứng đám đông, hiệu ứng giá cả… và hiệu ứng báo chí. Phàm là những người làm báo, mọi người đều ít nhiều hiểu nghĩa của cum từ “hiệu ứng báo chí”. Theo cách hiểu của tôi, hiệu ứng báo chí thực ra là lối nói tắt của cụm từ “báo chí và hiệu ứng xã hội” mà thôi.

Thực tế cuộc sống đã chứng minh, báo chí có một lợi thế vô cùng lớn khi nắm giữ các phương tiện truyền tải thông tin và được phép “đưa” sự thật đến với công chúng. Thông qua đó, nhiều vấn đề đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội hoặc có thể gây ra những hệ lụy khó lường. Nhà báo Liêu Chiến, Phó Tổng biên tập đã từng nói với lớp hậu sinh chúng tôi rằng: Báo chí không làm và không thể làm được công việc của các cơ quan tư pháp, nhưng chính bằng cách phát động thông tin báo chí đã giữ vai trò khởi xướng cho các công việc của tư pháp. Thông tin báo chí là cội nguồn để bùng nổ dư luận xã hội và dư luận xã hội lại gây áp lực buộc cơ quan tư pháp phải thực thi công vụ.

Còn nói như cố Nhà báo Hữu Thọ: “Quan niệm báo chí là quyền lực thứ tư theo tôi vừa chính xác, vừa không chính xác, vừa dễ gây ảo tưởng cho những người làm báo. Thực tế, báo chí không thể… ra lệnh cho ai được. Nói thế này thì đúng hơn: Báo chí là một thế lực tạo ra dư luận xã hội, khởi đầu cho những hành vi của đám đông, từ đó dẫn đến những tác động mạnh mẽ trong xã hội” – trả lời phỏng vấn báo Sức khỏe và Đời sống. Và tôi – tác giả bài viết này nghĩ rằng, hiệu ứng xã hội của báo chí chính là như thế.

Có thể thấy, cũng như báo chí cả nước, những năm qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã đăng tải nhiều tác phẩm mang lại hiệu ứng, tạo ra dư luận và có nhiều tác động mạnh mẽ trong xã hội. Đơn cử như với báo Thái Nguyên – người bạn đồng hành với độc giả trong tỉnh gần 58 năm qua, đã đăng tải rất nhiều tác phẩm mang lại hiệu ứng xã hội. Nhất là từ năm 2005, khi tờ báo Đảng của tỉnh nhà có một kênh thông tin mới: Trang thông tin điện tử, sau này đã phát triển lên thành báo Thái Nguyên điện tử. Thông qua đó, đã giúp các thông tin được cập nhật kịp thời, những tác phẩm phản ánh các vấn đề “nóng” của tỉnh có sức lan toa sâu, rộng, thu hút được sự quan tâm của dư luận, tạo được hiệu ứng mạnh mẽ.

Gắn bó với nghề báo hơn 20 năm, từ thuở chập chững bước vào nghề cho đến ngày hôm nay, tôi đã được “lĩnh hội” rất sâu sắc “sức mạnh” của hiệu ứng báo chí. Đơn cử như bài viết phản ánh về tình trạng tranh chấp mỏ ba rít Lục Ba (Đại Từ) giữa hai doanh nghiệp của tác giả Thu Lan, được đăng tải trên báo Thái Nguyên cuối năm 2000. Từ bài viết này, tác giả cũng đã phân tích về những bất cập trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn. Qua đó tạo được hiệu ứng, dư luận xã hội, góp phần thúc đẩy các ngành chức năng của tỉnh nhanh chóng vào cuộc giải quyết các vướng mắc giữa hai doanh nghiệp và có những giải pháp để tăng cường công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn.

Khoảng năm 2012, loạt bài phản ánh về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trong tỉnh của Nhà báo Ngọc Sơn đăng tải trên báo Thái Nguyên cũng đã tạo được “tiếng vang” lớn khi gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và “buộc” các cấp, ngành chức năng vào cuộc “xiết” lại công tác quản lý khai thác cát, sỏi trên địa bàn.

Gần đây nhất là loạt bài của nhóm tác giả phòng Bạn đọc – Tư liệu, được đăng tải trên báo Thái Nguyên vào tháng 5-2019, phản ánh về những yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề “nóng” của Đảng bộ, chính quyền thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) giai đoạn 2015-2019, từ đó đã gây mất niềm tin trong nhân dân. Mang đến cho bạn đọc những thông tin trung thực, khách quan, bài viết đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả. Đáng nói là sau khi bài báo đăng tải, việc luân chuyển cán bộ đã được thực hiện, những trường hợp vi phạm cũng buộc phải nghỉ việc… và thị trấn Sông Cầu đã bình yên trở lại…

Tương tự, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh cũng đã có nhiều tác phẩm tạo được hiệu ứng xã hội. Đơn cử như phóng sự “Lãng phí kép”, phát sóng trong năm 2018 của Nhà báo Đỗ Thu Hiền và các đồng nghiệp, phản ánh về tình trạng lãng phí cơ sở vật chất; nguồn nhân lực do thiếu học sinh, sinh viên… ở các trường cao đẳng, dạy nghề… Nhà báo Đỗ Thu Hiền cho hay: Ngay sau khi phóng sự phát sóng, các cấp chính quyền tỉnh đã nhận diện rõ hơn về thực trạng này và chỉ đạo tích cực để giải quyết các vấn đề chúng tôi đã nêu…

Với báo chí, hiệu ứng xã hội không chỉ được tạo ra từ các thông tin có sức “nóng” mà còn ở các bài viết phản ánh những việc làm hay, những tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống, từ đó có sức lan tỏa và nhân rộng trong công đồng. Đó có khi là hình ảnh của anh Hoàng Văn Nhính - Trưởng bản người Mông Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương) đã mạnh dạn xẻ núi, mở đường cho dân bản cùng đi, giúp bà con thuận tiện vận chuyển gỗ rừng sau khai thác, đưa những bắp ngô vàng óng về nhà (của cộng tác viên Hoàng Tùng, được đăng tải trên báo Thái Nguyên năm 2012). Hay như tác phẩm “Chàng trai 9X say mê với nông sản sạch” của tác giả Nguyên Ngọc, đăng tải trên Báo Thái Nguyên năm 2019, phản ánh về những nỗ lực của người thanh niên Hoàng Đình Lập, xóm Phỉnh, xã Phượng Tiến (Định Hóa) khi xây dựng thành công mô hình trồng cây ăn quả an toàn, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con vùng núi.

Có thể khẳng định, hiệu ứng xấu hay tốt là do quan điểm và thái độ đưa tin của nhà báo và cơ quan báo chí. Bởi vậy, một đồng nghiệp đã từng nói với tôi rằng: “Thông tin càng chuẩn xác và tính định hướng càng rõ ràng thì hiệu ứng xã hội càng to lớn. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng bậc nhất để tạo nên hình ảnh và thương hiệu của một cơ quan báo chí.” Và tôi luôn “thấm” điều ấy trong "huyết mạch" của mình. Mong rằng, hệ thống báo chí tỉnh nhà hãy phát huy tính khách quan, trung thực, luôn là “người bạn” đáng tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.