Nhiều chuyển biến trong xử lý rác thải sinh hoạt

14:35, 03/06/2020

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cải thiện môi trường nông thôn, thời gian qua, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều giải pháp trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, hướng tới xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp, góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Khoảng 5 năm trở về trước, tình trạng người dân xả rác ra không đúng nơi quy định, rác trôi nổi trên các sông, suối diễn ra phổ biến trên địa bàn huyện Đại Từ. Thậm chí, một số trang trại chăn nuôi còn thải trực tiếp chất thải ra môi trường,… thì hiện nay, tình trạng này đã cơ bản được khắc phục.

Để có được sự thay đổi này, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Theo đó, năm 2016, huyện đã xây dựng và triển khai Đề án BVMT huyện giai đoạn 2016-2020 với nhiều giải pháp cụ thể: Tổ chức tuyên truyền, tập huấn về công tác BVMT, hướng dẫn người dân cách thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt. Riêng năm 2019, huyện đã tổ chức và phối hợp tổ chức 23 lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ BVMT cho cán bộ địa chính các xã, thị trấn với gần 1.800 người tham gia. Đồng thời, tuyên truyền về BVMT với nhiều hình thức như: treo băng zôn, tuyên truyền lưu động, phát động người dân dọn dẹp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm… Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể triển khai hiệu quả các mô hình BVMT như: Toàn dân tham gia BVMT; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xây dựng 446 câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”. Ngoài ra, các phòng chức năng của huyện đã phối hợp cùng các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi gây ô nhiễm, phá hoại cảnh quan môi trường. 4 năm qua, huyện cũng đã đầu tư trên 40 tỷ đồng để xây dựng 27 điểm tập kết xe chở rác, hạng mục tại Khu xử lý rác thải số 1 huyện, mua sắm một số trang thiết bị thu gom, xử lý rác sinh hoạt; xây dựng gần 1.100 bể chứa vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật...

Tiêu biểu trong những địa phương thực hiện tốt công tác BVMT là xã Tân Linh. Xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về BVMT, thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức về BVMT. Năm 2018, tổ thu gom rác thải của xã được thành lập với lực lượng chính là các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp, xây dựng Đông Bắc (HTX). Anh Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc HTX cho hay: Trước đây, phần lớn rác thải được người dân thu gom, chôn, đốt tại vườn. Sau khi HTX đi vào hoạt động, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân thu gom, phân loại, để rác đúng nơi quy định. Sau đó, các thành viên của HTX thực hiện thu gom rác tại cổng các hộ dân và đưa về điểm tập kết tại xóm 12. Đến nay, ý thức BVMT của người dân đã được nâng lên đáng kể, không còn rác ùn ứ tại các xóm, khu dân cư, tình trạng vứt rác nơi công cộng giảm. Xã Tân Linh hiện có khoảng 80% rác thải sinh hoạt của gần 5.800 nhân khẩu được thu gom, xử lý thường xuyên.

Cùng với Tân Linh, hiện 100% xã, thị trấn còn lại của huyện Đại Từ cũng đã thành lập được các tổ thu gom rác thải (50 tổ). Căn cứ theo số lượng xóm và quy mô dân số mà các địa phương bố trí từ 1-2 tổ thu gom với tần suất 2-3 ngày/lần. Toàn bộ rác thải sau khi được các tổ thu gom và đưa đến điểm tập kết sẽ được xe chuyên dụng của Ban Quản lý vệ sinh môi trường đô thị, huyện vận chuyển về khu xử lý rác thải của huyện để xử lý. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Tiên, Trưởng Ban Quản lý vệ sinh môi trường đô thị huyện thông tin: Khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn mỗi ngày khoảng 100 tấn, trong đó tập trung nhiều nhất tại khu vực trung tâm huyện và các xã, thị trấn lân cận. Toàn bộ lượng rác trên địa bàn được tập kết về khu xử lý rác thải của huyện, tại xã Bình Thuận để xử lý bằng công nghệ đốt, chôn lấp hợp vệ sinh. Tỷ lệ thu gom, xử lý hiện đạt trên 60%, tương đương 60-65 tấn/ngày (chôn lấp 50-55 tấn, vận hành đốt khoảng 8-10 tấn/ngày)…

Với những giải pháp thiết thực, công tác BVMT trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, lượng rác thải sinh hoạt đã được thu gom, xử lý tương đối triệt để. Đến nay, Đại Từ đã có 22 xã đạt tiêu chí môi trường trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới (tăng 12 xã so với năm 2015); trên 1.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi lập hồ sơ BVMT (đạt 83%); hơn 35 tấn vỏ bao bì hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, xử lý… Mặc dù vậy, một số xã nằm xa trung tâm, có diện tích rộng vẫn còn gặp khó khăn trong thu gom, xử lý, ý thức BVMT của một bộ phận dân cư chưa cao, kinh phí đầu tư cho BVMT còn hạn chế…. Vì thế, thời gian tới, Đại Từ sẽ tiếp tục xây dựng, thực hiện Đề án BVMT giai đoạn 2021-2025; quan tâm đầu tư các công trình phục vụ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; chỉ đạo các xã còn lại hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới;…