Chị Dương Thị Lan, cộng tác viên y tế thôn bản kiêm cộng tác viên dân số ở xóm Quại, xã Tân Đức (Phú Bình) chia sẻ: Ở xóm tôi hầu như năm nào cũng có người sinh con thứ ba trở lên, năm 2019, xóm có 7 trẻ sơ sinh, trong đó có 1 trẻ là con thứ ba; năm 2020, dự kiến sinh là 9 trẻ thì có đến 3 trẻ là con thứ ba. Còn chị Bùi Thị Diệp, cộng tác viên dân số xóm Phúc Thịnh, cho biết: Năm 2019, xóm tôi có 6 trẻ sơ sinh, trong đó 2 trẻ là con thứ ba; năm 2020, dự kiến sinh 6 trẻ cũng có 2 trẻ là con thứ ba.
Tính đến hết 5 tháng năm 2020, xã Tân Đức có dân số là 9.465 người, số phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49 là 2.271 người, phụ nữ có chồng 1.726 người, số đang áp dụng biện pháp tránh thai là hiện đại là 1.184 người, số cặp vợ chồng chưa sử dụng biện pháp tránh thai còn 338 cặp. Số trẻ đã được sinh ra là 57, trong đó, trẻ trai là 34, trẻ gái là 23, con thứ ba trở lên là 16 trẻ. Dự kiến sinh trong năm 2020 là 161 trẻ, trong đó có 45 trẻ là con thứ ba trở lên, chiếm tỷ lệ 28%.
Chị Đào Thị Thuý, cán bộ dân số xã Tân Đức cho biết: Nhiều năm qua, đội ngũ cộng tác viên dân số luôn chủ động bám sát, nắm tình hình địa bàn, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Nhưng với tư tưởng "đông con hơn đông của” vẫn còn tồn tại nên những năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn rất cao.
Chị Bùi Thị Diệp, cộng tác viên xóm Phúc Thịnh cho biết thêm: Hiện nay, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đa phần đi làm tại các công ty, làm ăn xa nên việc tiếp cận để tuyên truyền, vận động cũng rất khó khăn, hay trong các đợt Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, cộng tác viên đến từng nhà gửi giấy mời rồi gọi điện nhắc để chị em chủ động đến hưởng lợi từ chiến dịch. Tuy nhiên, chiến dịch thường tổ chức vào ngày đi làm, họ không xin nghỉ được, cộng với điều kiện kinh tế ngày một phát triển nên đa phần nhiều chị em đi khám ngoài, còn việc thực hiện KHHGĐ do họ chủ động...
Theo ông anh Đỗ Văn Hưng, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Phú Bình, nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa hiểu đúng về chính sách dân số, vẫn còn tồn tại tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", có con trai để “nối dõi tông đường”; một số hộ có tư tưởng sinh nhiều con để phụ giúp gia đình; hộ có kinh tế khá giả muốn sinh thêm con để vui nhà, vui cửa…
Từ đó cho thấy, công tác tuyên truyền phải được tiến hành trong một thời gian dài, liên tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền và cần sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương; các tổ chức hội phụ nữ tăng cường thu hút, kết nạp hội viên để thuận lợi cho công tác quản lý, tuyên truyền; nâng cao chất lượng hoạt động của các cộng tác viên dân số trong việc rà soát các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai; các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai; quản lý chặt chẽ số lượng dân số, biến động cơ học... Đồng thời, mở rộng và nâng cao chất lượng chương trình giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản và KHHGĐ trong, ngoài nhà trường cho vị thành niên và thanh niên, vận động thuyết phục người cao tuổi ủng hộ con cháu thực hiện đúng chính sách dân số./