Nỗi đau từ tai nạn lao động

08:02, 16/06/2020

Chỉ khi tai nạn xảy ra, người trong cuộc mới vỡ lẽ mình đang đánh cược tính mạng để đổi lấy số tiền công ít ỏi. Trong giây khắc nghiệt ngã, họ bị mất mạng, hoặc suốt đời tàn phế do tai nạn lao động.

Hôm chúng tôi đến xóm An Bình, xã An Khánh (Đại Từ) chia sẻ mất mát với gia đình ông Lê Minh Hạnh. Bà Đặng Thị Lợi, vợ ông Hạnh nước mắt giàn giụa: Con tôi, cháu Lê Minh Hiếu, 16 tuổi xin đi làm việc cho Công ty TNHH Lê Việt Linh mới được 6 ngày thì bị tai nạn trong lúc đang khiêng, vác kính để phục vụ việc lắp đặt công trình và tử vong. Là lao động tự do, chưa thành niên nên cháu không có hợp đồng lao động, không được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.

Thắp nén nhang lên ban thờ chồng, bà Diệp Thị Sìn, xóm Táo 2, xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) sụt sịt: Sáng sớm ngày 5/3/2019, ông Nguyễn Văn Sinh - chồng tôi đi làm thuê cho một công trình xây dựng. Đến 2 giờ chiều thì tôi nhận được tin chồng mình bị ngã từ mái nhà xuống, vì không có phương tiện bảo hộ lao động nên đã tử vong… Cũng vì một chút sơ ý mà mất đi mạng sống, đó là trường hợp của anh Vũ Đức Thiện, tổ dân phố số 1, phường Mỏ Chè (T.P Sông Công), công nhân Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hiệp Linh (Khu công nghiệp Sông Công). Ông Vũ Ngọc Lương, bố nạn nhân cho biết: Tôi từng làm công nhân. Tôi hiểu nguyên nhân dẫn đến mất an toàn lao động có một phần từ chính người nhà mình. Chỉ tiếc là cháu ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, mới hơn 30 tuổi.

Trường hợp của chị Dương Thị Thập, tổ 1, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) , công nhân Công ty CP Môi trường  và Công trình đô thị Thái Nguyên lại hoàn toàn khác. Chị Thập được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, được trang bị phương tiện bảo hộ và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn lao động trong khi làm việc. Tuy nhiên, ngày 11-12-2019, chỉ còn 15 phút nữa là hết ca làm việc, chị Thập bất ngờ bị một chiếc xe máy tông thẳng vào người khiến chị ngã đập đầu xuống nền đường gây chấn thương sọ não. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng do vết thương quá nặng chị Thập đã không qua khỏi.

Có thể nói, tai nạn lao động không chỉ lấy đi sinh mạng hay một phần sức khỏe của nạn nhân, mà còn để lại cho thân nhân của họ gánh nặng về kinh tế, chi phí chăm sóc y tế...  Nhiều ông bố, bà mẹ mất nơi nương tựa. Nhiều bé em trở thành trẻ mồ côi. Dù rằng theo quy định của luật pháp, các chủ sử dụng lao động đã thực hiện bồi thường thiệt hại cho thân nhân nạn nhân, nhưng những mất mát của nạn nhân và gia đình họ là không thể thay thế.

Tuy vậy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn còn không ít trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn lao động, các đơn vị sử dụng lao động còn lơ là, chưa coi trọng công tác này. Bên cạnh đó, chính bản thân người lao động còn chủ quan, không thực hiện đến các biện pháp đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng An toàn - Vệ sinh lao động, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (TBXH) cho biết: 134 vụ tai nạn lao động xảy ra trong năm 2019 trên toàn tỉnh đã làm 95 trường hợp bị thương tật và 41 trường hợp tử vong. Hầu hết nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động do người lao động chưa được huấn luyện, hướng dẫn an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Pháp luật. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm hơn 43 vụ; số người chết giảm hơn 9 trường hợp nhưng nỗi đau mà tai nạn lao động để lại cho gia đình các nạn nhân là rất lớn.