T.X Phổ Yên hiện có 31,5km đê do tỉnh quản lý (chiếm 65% hệ thống đê toàn tỉnh) với 7 kè lát mái và 12 cống dưới đê, đảm bảo công tác phòng, chống lũ đối với 7 xã phía Nam trên địa bàn. Tuy nhiên hiện nay, ở một số công trình đã xuất hiện tình trạng sạt lở, xuống cấp, cần được quan tâm xây dựng, nâng cấp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong mùa mưa bão.
Điển hình là kè xóm Soi, xã Đông Cao, toàn bộ khu vực này có hiện tượng sạt trượt mái kè, khiến một số vị trí nhà ở của người dân chỉ còn cách hành lang kè 3-5m. Nếu như mưa lớn kéo dài, làm mực nước sông Cầu dâng cao, nguy cơ nhà cửa của các hộ dân sẽ bị sạt xuống lòng sông. Tại đây, năm 2010, Sở Nông nghiệp - PTNT đã triển khai Dự án kè chống sạt lở bờ sông Cầu với kinh phí trên 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, công trình đã tạm dừng từ nhiều năm nay do thiếu kinh phí, khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ông Đinh Thế Mạnh, người dân xóm Soi cho biết: Công trình kè trên có chiều dài hơn 1km, liên quan đến khoảng 10 hộ dân thuộc xóm Soi. Mỗi khi mưa bão đến, người dân thấp thỏm lo âu, bởi phần thân kè chưa được hoàn thiện nên dần sạt lở xuống lòng sông. Để khắc phục tình trạng trên, các hộ dân đã chủ động di rời một số công trình phụ, trồng cây, kè đá ngăn sạt lở vào phần đất ở của gia đình, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời.
Còn tại thôn Phù Lôi, xã Thuận Thành, khu vực kè mới xây dựng đang có nguy cơ bị đe dọa, bởi phía ngoài, hàng trăm mét vuông đất canh tác liền kề bờ sông Cầu của người dân đã bị sạt lở. Theo ông Lê Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Thuận Thành, nguyên nhân xảy ra tình trạng này ngoài tác động của thiên tai, mưa bão thì hiện lòng sông đã bị rỗng, do trước kia khu vực này thường xảy ra tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Hiện nay, ở một số đoạn bị sạt lở đã tạo thành những hố sâu rất nguy hiểm. Nếu không được khắc phục kịp thời, khi xảy ra sự cố, phần lớn diện tích nông nghiệp của xã không chỉ ngập úng hoàn toàn mà còn nguy cơ mất đất sản xuất do sạt lở xuống sông.
Ngoài hai điểm nêu trên thì tại khu vực kè Đô Tân - Vạn Phái thuộc xóm Vạn Kim, xã Vạn Phái cũng xảy ra tình trạng tương tự, xuất phát từ việc sạt lở bờ sông Công. Theo phản ánh của các hộ dân, khoảng 1ha đất soi Vườn Cùng thuộc xóm Trường Giang, liền kề với khu vực kè cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng. Vừa qua xảy ra các trận mưa lớn, một phần đất vườn cũng như cây cối của các hộ dân tại đây đã bị cuốn trôi ra lòng sông. Đoạn sạt lở mới nhất dài khoảng 40m, từ mép sông vào khoảng 10m, sâu 5m nên nguy cơ mất an toàn rất cao.
Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên, Thị xã đã phối hợp với các xã rà soát, đánh giá thực trạng và khoanh vùng các điểm sạt lở trên địa bàn. Thông báo thường xuyên, liên tục các vị trí bờ sông, công trình kè sạt lở nghiêm trọng để người dân chủ động di dời đến nơi tạm cư an toàn. Đối với công trình kè xóm Soi, Thị xã đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp - PTNT khẩn trương hoàn thiện các phần việc còn dang dở nhằm ổn định dân sinh. Khu vực bờ sông Công, sông Cầu, địa phương đã chủ động theo dõi trước, trong và sau mưa bão và cho cắm mốc cảnh báo tại các điểm sạt lở để người dân nắm rõ, tránh xa khu vực nguy hiểm; đồng thời, siết chặt các hoạt động khai thác cát sỏi trên sông để tránh việc sạt lở tiếp tục xảy ra… Đối với các hộ dân sống tại các khu vực sạt lở, Thị xã cũng đã có văn bản đề nghị các cấp, ngành liên quan sớm có phương án hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn... Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây là vấn đề cấp bách mà các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần sớm có giải pháp khắc phục để đảm bảo an toàn đê kè cũng như tính mạng, tài sản của nhân dân.