Sử dụng hợp lý cơ sở vật chất sau sáp nhập

09:11, 27/06/2020

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, trên địa bàn tỉnh có T.P Sông Công và huyện Định Hóa đã tiến hành việc sáp nhập các xã, phường. Tuy nhiên, sau sáp nhập, một số cơ sở vật chất của các đơn vị hiện đang để trống.

Xã Vinh Sơn cũ (T.P Sông Công) được tỉnh chọn làm xã điểm trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nên UBND xã, trạm y tế, trung tâm học tập cộng đồng đều được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính, khám chữa bệnh, văn hóa - thể thao… của người dân trên địa bàn. Ngày 1/1/2020, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, xã Vinh Sơn sáp nhập với phường Lương Châu thành phường Châu Sơn. Vì vậy, toàn bộ cán bộ và thiết bị máy móc của xã Vinh Sơn được chuyển ra trụ sở phường Lương Châu (cũ). Sau khi chuyển toàn bộ đơn vị hành chính của xã Vinh Sơn cũ ra phường Lương Châu thì trụ sở UBND xã Vinh Sơn đang để trống.

Ông Đồng Đức Phương, Chủ tịch UBND phường Châu Sơn cho biết: Đối với trụ sở UBND xã Vinh Sơn, chúng tôi đang sử dụng một số phòng ở dãy nhà cấp 4 làm kho lưu trữ. Dãy nhà 3 tầng hiện vẫn bỏ trống. Đầu tháng 6, chúng tôi đã đề xuất với tổ công tác của Sở Tài nguyên - Môi trường và Công an tỉnh (trong buổi làm việc rà soát quỹ đất dành cho ngành Công an) quy hoạch trụ sở của Công an phường vào đó vì hiện nay, nơi làm việc của Công an phường không đảm bảo diện tích. Tổ công tác của Sở Tài nguyên - Môi trường và Công an tỉnh đã tiếp thu đề xuất của địa phương để báo cáo tỉnh.

Còn đối với Trạm Y tế phường Lương Châu cũ, sau khi chuyển toàn bộ trang thiết bị khám, chữa bệnh vào Trạm Y tế xã Vinh Sơn để tiếp tục thực hiện khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn thì hiện tại, Trạm Y tế đã đóng cửa. Ông Hà Duy Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Châu Sơn thông tin: Đối với cơ sở vật chất Trạm Y tế phường Lương Châu, chúng tôi đã làm thủ tục bàn giao lại cho Trung tâm Y tế Thành phố (vào tháng 1-2020) quản lý.

Còn tại huyện Định Hóa, xã Kim Phượng mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Kim Sơn và xã Kim Phượng. Sau khi sáp nhập, xã có tổng diện tích đất tự nhiên gần 23km2, quy mô dân số gần 5 nghìn người. Theo đó, đội ngũ cán bộ và thiết bị y tế của Trạm Y tế xã Kim Sơn chuyển về xã Kim Phượng. Trạm Y tế xã Kim Sơn cũ đang bỏ không, nhưng có diện tích, quy mô và được xây dựng tốt hơn so với Trạm Y tế xã Kim Phượng mới hiện đang sử dụng và đến nay vẫn chưa được bàn giao cho UBND xã quản lý.

Ngoài trạm y tế bỏ không, trụ sở UBND xã Kim Sơn cũ cũng chỉ đang sử dụng một số phòng vào mục đích tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân khu vực tại xã Kim Sơn cũ. Theo lộ trình, khi đường giao thông từ Quốc lộ 3C đi xóm Bản Kết (rút ngắn khoảng cách giữa trụ sở UBND xã Kim Sơn cũ đến trụ sở UBND xã Kim Phượng từ 7km xuống còn khoảng hơn 3km) hoàn thành thì toàn bộ giao dịch của người dân sẽ thực hiện tại trụ sở UBND xã Kim Phượng mới. Do đó, trụ sở UBND xã Kim Sơn cũ cũng sẽ phải chuyển đổi mục đích sử dụng.

Ông Trương Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phượng cho biết: Chúng tôi mong muốn ngành Y tế khẩn trương bàn giao lại trạm y tế không sử dụng để địa phương bố trí sử dụng làm phòng học cho học sinh Trường Mầm non Kim Sơn (hiện đang thiếu lớp học). Đồng thời, sớm triển khai dự án đường giao thông từ Quốc lộ 3C đi Bản Kết để người dân tại xã Kim Sơn cũ thuận tiện sang Trạm Y tế Kim Phượng và giải quyết thủ tục hành chính tại trụ sở UBND xã mới. UBND xã sẽ không phải cắt cử cán bộ túc trực để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại trụ sở cũ, và sử dụng trụ sở này vào mục đích khác để tránh lãng phí.

Có thể thấy, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương đúng đắn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Tuy nhiên, việc để một số công trình xây dựng bỏ không nhiều tháng qua khiến người dân không khỏi băn khoăn và cũng gây lãng phí. Vì thế, các cấp, ngành cần sớm nghiên cứu, có phương án sử dụng các công trình này một cách hợp lý để phát huy giá trị sử dụng của các công trình.