Ở huyện Phú Bình, hầu như tuần nào cũng có gia đình tổ chức ăn khao phường họ. “Thôn lần xã lượt”, hễ nhà nhận phường họ đều “đứng cái” khao làng. Không quan trọng phường họ to, nhỏ, mà người tham gia cốt để gặp gỡ, giao lưu, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống.
Không ai biết việc góp phường họ ở Phú Bình có từ bao giờ. Nhưng đó là cách góp vốn, huy động vốn hiệu quả trong nhân dân. Thường là anh em ruột thịt, nhóm bạn, hoặc một nhóm người thân thiết rủ nhau chơi họ. Một cán bộ đang công tác ở huyện cho biết: Không dám nói là phong trào, nhưng từ công sở Nhà nước về các vùng thôn dã đều có nhóm chơi phường họ. Từng nhóm phường họ lại tự quy định về phương thức chơi, số lượng tiền góp phường họ và thời gian đóng họ. Ghi nhận là từ thông qua chơi phường họ, nhiều người có thêm cơ hội mua sắm tài sản có giá trị, hoặc đầu tư mua được máy móc phục vụ sản xuất; xây dựng trang trại, mua giống cây trồng, vật nuôi, tạo thêm việc làm tăng thu nhập.
Như lời anh cán bộ huyện thì việc cán bộ, nhân dân tham gia chơi phường họ là một hoạt động văn minh, lịch sự. Hơn thế nữa, đó là một nghĩa cử tế nhị, giúp nhau “chắp cánh ước mơ”. Cũng vì thế mà việc chơi phường họ, góp họ phát triển tràn rộng khắp miền quê lúa Phú Bình. Bà Dương Thị Mai, xã Nga My bộc bạch: Nhóm họ tôi tham gia có 20 phụ nữ. Mức góp họ 500.000 đồng/lần. 15 ngày lấy họ 1 lần, được 10 triệu đồng. Ưu tiên chị em nhà có việc, như: cưới hỏi, ma chay, nhập học, trong nhà có người đau ốm đi bệnh viện. Mỗi lần lấy họ, chị em chúng tôi lại có dịp gặp gỡ, ăn với nhau một bữa cơm thân thiện. Chuyện góp phường họ, ông Nguyễn Văn Xuân, xã Nhã Lộng cho biết: Họ tôi có 12 người, tham gia mỗi tháng góp 1 triệu đồng, năm lấy 1 lần được 12 triệu đồng. Chúng tôi đã duy trì họ này được 3 năm nay. Còn ông Trần Xuân Vinh, xã Bàn Đạt kể: Họ chúng tôi gồm các bạn đồng ngũ tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. 17 thành viên trong họ ở rải rác trong huyện. 1 tháng gặp mặt 1 lần, nhân đó góp họ, lấy họ và tổ chức giao lưu ẩm thực.
Nhiều họ được thiết lập bắt đầu từ một lý do rất đơn giản, như nhóm bạn cùng lớp; bạn đồng niên; người cùng sở thích ca hát, thể thao; chăn nuôi trang trại; buôn bán… Ông Dương Văn Dũng, trưởng nhóm họ gồm những người làm trang trại ở các xã vùng tứ tân cho biết: Nhóm có 9 thành viên, góp họ 15 triệu đồng/người/lượt. 1 tháng lấy họ 1 lần, người gặp khó khăn được ưu tiên lấy trước, hoặc thực hiện rút thăm, lần lượt lấy tiền phường họ. Chúng tôi đang thực hiện quay vòng lần 2. Mỗi lần họp phường họ cũng đồng thời là ngày góp tiền, trao tiền cho một thành viên cụ thể. Người được nhận tiền sẽ trích một khoản nhất định để khao họ.
Còn ông Nguyễn Hồng Vân, 75 tuổi, Chủ nhiệm 1 CLB thể thao của huyện cho biết: Các thành viên trong CLB tự nguyện chơi phường họ. Là người cao tuổi nhất, nên các hội viên bầu chọn tôi làm Trưởng phường họ. Tôi có nhiệm vụ đôn đốc các thành viên tham gia góp phường họ và giao toàn bộ tiền cho người được nhận phường họ. Số tiền góp họ 1 triệu đồng/người/lượt. Mỗi lần nhận phường họ, CLB thể thao và hội phường họ tổ chức sinh hoạt, đánh cờ giao lưu và cùng nhau ăn một bữa cơm. Việc tham gia phường họ giúp các thành viên CLB gắn kết với nhau chặt chẽ hơn.
“Lựa cơm gắp mắm”. Tùy thuộc vào thu nhập mà tham gia chơi một phường họ phù hợp. Lấy vui là chính chứ không phải vì mục đích kinh tế. Ví như một số phường họ tôi được nghe chuyện như: Hội phường họ Cầu lông; Hội phường họ Kinh Lạc thao; Hội phường họ bóng chuyền hơi... mọi người tham gia phường họ là để giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao. Có không ít trường hợp là cán bộ nghỉ hưu trí, khi nhận tiền phường họ thường mang về cất đi, đợi ngày góp phường họ lại mang đến để thực hiện nghĩa vụ của họ viên. Tuy nhiên cũng có người đã tham gia một phường họ nào rồi, vì phấn khích khi gặp bè bạn lại hăng hái đăng ký tham gia một hội họ mới. Anh Phan Văn Linh, xã Dương Thành là một bằng chứng. Anh kể: Tôi biết chơi phường họ từ gần 20 năm nay. Hồi bấy giờ có hơn 30 hộ nông dân tham gia, 1 kỳ góp 200 đồng/người. Một nhóm họ thường chỉ duy trì khi đã hết 1 vòng họ. Có thời gian tôi tham gia 5 nhóm phường họ, với mức góp họ khác nhau. Đã theo thì không thể bỏ dở dang, nên mất gần 1 năm, tháng nào tôi cũng mất 5 ngày đi góp phường họ và ăn uống. Nhất là độ cuối năm, ngoài ăn phường họ, tôi còn phải đi ăn giỗ chạp, cưới hỏi, vào nhà mới. Mệt mỏi kinh khủng nên hiện chỉ tham gia 1 họ, gồm 14 người, mức góp 20 triệu đồng/người/kỳ họ và 9 tháng mở họ 1 lần.
Một kỳ lĩnh họ, cũng như các thành viên khác, ông Linh được nhận 280 triệu đồng. Số tiền này giống như việc ông cất trong ống tiết kiệm của gia đình, nhưng lợi ích mang lại cao hơn bởi từ nhiều người góp lại, giống như lời các cụ dạy “gom gió thành bão”, tạo khả năng sinh lời cao hơn. Gặp hôm gia đình anh Nguyễn Hoàng Quân, thị trấn Hương Sơn nhận phường họ, tôi ở lại cùng trà tửu chia vui. Anh Quân chia sẻ: Phường họ tôi tham gia gồm 12 hộ kinh doanh, dịch vụ ở Phú Bình, T.P Thái Nguyên và bên tỉnh Bắc Giang. Giữa các họ viên đã có mối quan hệ làm ăn buôn bán trước đó. Việc lập phường họ là cách để chúng tôi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin thị trường, huy động vốn đầu tư. Mỗi lượt góp họ là 50 triệu đồng, 15 ngày mở họ một lần. Tôi là người được nhận tiền phiên cuối, 600 triệu đồng. Chúng tôi chơi phường họ theo cách của mình, không tính lãi, coi như góp vốn, lần lượt tạo cho từng người đủ mạnh để đứng vững hơn trên thương trường.
Một “bí quyết” để các phường họ ở huyện Phú Bình không bị vỡ là bởi các họ viên đều là người thân quen, biết rõ tính cách, hoàn cảnh, khả năng kinh tế của nhau. Hơn thế, các họ viên đến với nhau được xuất phát từ tinh thần “tương thân tương ái”. Rủ nhau tham gia một vòng họ trong thời gian không dài, giữa những người chơi trong phường họ có thể tự giám sát, giúp đỡ nhau cùng duy trì hết vòng phường họ. Tuy nhiên các cấp, ngành, cơ quan chức năng Nhà nước cũng cần quan tâm, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy ước, hương ước của làng xã, chính sách pháp luật của Nhà nước.
(Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)