Toàn tỉnh hiện có trên 2.572 cộng tác viên dân phố, trong đó số cán bộ y tế thôn bản kiêm nhiệm cộng tác viên dân số là 2.348 người, còn lại do các chức danh khác ở thôn, xóm, tổ dân phố kiêm nhệm. Những năm qua, chương trình dân số, Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực là nhờ có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ cộng tác viên dân số.
Mạng lưới cộng tác viên dân số cơ sở tập trung ở các thôn, xóm, tổ dân phố giữ vai trò hết sức quan trọng trong các hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ. Họ vừa là người giúp các cơ quan chức năng cập nhật thường xuyên tình hình dân số ở cơ sở, vừa chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số đến với người dân. Thông qua đó, giúp người dân chuyển đổi nhận thức và hành vi về DS-KHHGĐ.
Thực tế cho thấy, đội ngũ cộng tác viên dân số chính là “cánh tay nối dài” của cơ quan chức năng tại cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố. Theo chị Bùi Thị Diệp, cộng tác viên dân số xóm Phúc Thịnh, xã Tân Đức (Phú Bình), để nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, hạn chế tình trạng sinh con thứ ba trở lên và giữ tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ở mức an toàn, mỗi cộng tác viên dân số đều phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở mọi lúc, mọi nơi.
Còn chị Lầu Thị Đơ, công tác viên dân số khu vực Lân Thùng, xóm Đồng Dong, xã Phương Giao (Võ Nhai) thì cho rằng: Tuyên truyền công tác dân số không phải chỉ máy móc theo tài liệu, mà phải giải thích thật gần gũi, dễ hiểu. Lúc đầu bà con chưa hiểu, không hợp tác nhưng nếu cộng tác viên dân số kiên trì, “mưa dầm thấm lâu” bà con sẽ hiểu thôi.
Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh cho biết: Đối với công tác dân số, mỗi cộng tác viên muốn thực hiện tốt nhiệm vụ thì phải thật sư yêu nghề và nhiệt tình với công việc. Bởi để công tác tuyên truyền hiệu quả, người công tác viên phải đi gõ cửa từng nhà để tuyên truyền trực tiếp tại hộ dân và hướng dẫn các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp KHHGĐ. Đặc biệt, cộng tác viên dân số cũng chính là người vận động các gia đình không để con em mình tảo hôn… Thực hiện nhiều phần việc như vậy nhưng các cộng tác viên dân số vẫn tích cực làm việc, không quản ngại khó khăn, vất vả, không vì lợi ích vật chất. Họ đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của cộng đồng, của xã hội.
Có thể thấy, vai trò của cộng tác viên dân số là rất quan trọng, tuy nhiên hiện nay phụ cấp đối với cộng tác viên dân số còn thấp, trong khi đó công việc của họ lại rất vất vả. Cụ thể, từ năm 2017-2019, khoản phụ cấp cho cộng tác viên dân số do kinh phí địa phương chi (150.000 đồng/người/tháng). Từ tháng ngày 1/1/2020, thực hiện Nghị quyết số 07/2019/QĐ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh quy định số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, xóm, tổ dân phố trên địa bàn thì kinh phí chi cho cộng tác viên dân số do xã, xóm quyết định theo mức bồi dưỡng từ 30.000 đến 60.000 đồng/ người/buổi.
Cùng với đó, hiện nay, trình độ của mạng lưới cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh không đồng đều, việc cập nhật kiến thức về cộng tác dân số còn hạn chế… Thậm chí, nhiều người còn thiếu kỹ năng truyền thông và kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản khiến cho công tác truyền thông ở cơ sở tương đối khó khăn.
Do vậy, để phát huy hết vai trò của cộng tác viên dân số, thời gian tới, cùng với việc quan tâm tới chế độ thù lao thì các cấp, ngành chức năng của tỉnh nên tổ chức thêm các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên dân số. Từ đó, giúp họ thêm tự tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách dân số, góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số.