Khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

07:20, 27/07/2020

Cứ đến tháng 7 hằng năm, Đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên lại tổ chức hành trình về miền Trung để ghé thăm, tưởng nhớ và tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Những chuyến hành trình như vậy giúp mỗi người lắng lòng lại, để hiểu thêm về giá trị của hòa bình, công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ.  

Đúng 5 giờ sáng, đoàn xe của chúng tôi khởi hành từ trụ sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Vượt qua chặng đường hơn 350km, điểm đến đầu tiên của đoàn xe là Ngã ba Đồng Lộc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Hà Tĩnh -  nơi gắn liền với câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Những ngày tháng 7, dòng người nườm nợp đổ về đây mong muốn được thắp nén hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Đứng trầm ngâm trước mộ của các nữ thanh niên xung phong, chị Nguyễn Thị Linh Sa, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh (thành viên của Đoàn) trầm ngâm: Đã nhiều lần đến với Đồng Lộc nên tôi gần như “nằm lòng” những câu chuyện về vùng đất này. Càng cảm động hơn đó là câu chuyện về cuộc sống, sự hy sinh của những cô gái trẻ mới mười tám, đôi mươi, câu chuyện về một thời họ đã sống, và chiến đấu như thế…

Rời Đồng Lộc, mang theo tình cảm tri ân sâu sắc, chúng tôi đến địa điểm tiếp theo, đó là Nghĩa trang đường 9, nơi yên nghỉ của hơn 9.500 Anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến và Thành cổ Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Thành cổ Quảng Trị là nơi diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt với đế quốc Mỹ vào năm 1972. Bước mỗi bước chân trên mảnh đất Thành cổ, có lẽ ai cũng cảm nhận được sự linh thiêng của mảnh đất này, nơi máu chiến sĩ hòa với gạch đá, mỗi xăng-ti-met đất đều thấm đẫm máu các anh. Trước anh linh của các Anh hùng liệt sĩ, các thành viên trong Đoàn kính cẩn nghiêng mình, thắp nén hương bày tỏ lòng biết ơn.

Đứng lặng người trước những câu thơ của tác giả Phạm Đình Lân: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi / Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ / Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió / Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây…”, người lính năm xưa Nguyễn Hữu Thanh, nay Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh bồi hồi: Vừa đặt chân tới đây, những ký ức của thời một “mưa bom, bão đạn” hào hùng lại dội về trong trí nhớ của tôi. Lúc này đây, tôi lại điểm tên những người đồng đội năm xưa, có những người anh em, họ mãi mãi sống tuổi hai mươi trên mảnh đất này…

Cạnh đó, bà Hoàng Thị Dậu, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Võ Nhai xúc động: Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được là thành viên của đoàn công tác đến đặt vòng hoa và thắp nén tâm nhang lên phần mộ của các Anh hùng liệt sĩ. Với trách nhiệm của người làm chính sách, tôi nguyện hứa sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi với người có công, bảo đảm chi trả đầy đủ, kịp thời và đúng quy định.

Điểm cuối của chuyến hành trình về miền Trung là Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Nơi đây quy tụ hơn 10.200 phần mộ liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh thời kỳ chống Mỹ. Trong đó có trên 200 ngôi mộ liệt sĩ là những người con của quê hương Thái Nguyên và Bắc Kạn. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay: Đối với Khu mộ liệt sĩ của tỉnh ta đặt tại đây, từ khi thành lập đến nay, tỉnh đã có 3 đợt trùng tu lớn. Ngoài ra, hằng năm, tỉnh cũng tổ chức các đợt sửa chữa tại các phần mộ của các Anh hùng liệt sĩ nhằm bảo đảm luôn được khang trang, sạch sẽ.

Chia sẻ thêm về ý nghĩa của chuyến hành trình, đồng chí Trưởng đoàn Nguyễn Văn Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nói: Chuyến hành trình là dịp để những người con Thái Nguyên hôm nay ôn lại truyền thống lịch sử của dân tộc; thấu hiểu thêm về công lao của các Anh hùng liệt sĩ, từ đó biết trân quý hơn giá trị của nền độc lập và sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Trở về từ chuyến hành trình, mỗi thành viên trong Đoàn càng thấm thía hơn những hy sinh, mất mát cả của một thế hệ những người con đất Việt đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Hành trình đã khép lại nhưng dư âm của nó cũng như những bài học về tình yêu quê hương Tổ quốc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc vẫn luôn được khắc ghi.