Trại hè giáo dục giới tính: Cách tiếp cận mới

08:18, 30/07/2020

Hiện nay, giáo dục giới tính (GDGT) không đơn thuần chỉ là giáo dục về sức khỏe sinh sản mà còn gồm nhiều nội dung về giáo dục phẩm chất, kiến thức và kỹ năng về an toàn bản thân,  bình đẳng giới... Không chỉ là học lý thuyết, tại Trại hè GDGT TeenUp được tổ chức tại T.P Thái Nguyên, các bạn nhỏ được trải nghiệm, trang bị nhiều kỹ năng để tự bảo vệ bản thân.

Trại hè GDGT TeenUp đã được tổ chức tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Tại Thái Nguyên, Trại hè được tổ chức 3 ngày/khóa trong 3 đợt từ 13-7 đến 5-8, do Công ty tư vấn và đào tạo kỹ năng sống STB (Số 7, ngõ 146, đường Minh Cầu) phối hợp với tổ chức tổ chức GDGT WEGROW (đối tác của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) tổ chức. Khác với những trại hè khác, mỗi khóa của Trại hè GDGT chỉ có tối đa 15 em tham gia. Trại hè phân loại 4 khung độ tuổi khác nhau: từ 4-7 tuổi, 8-11 tuổi, 12-15 tuổi, 16-18 tuổi.

Chúng tôi có dịp cùng trải nghiệm một khóa học về GDGT tại Trại hè TeenUp với các em. Tại đây, các hoạt động đều được thiết kế theo mô hình trải nghiệm và các trò chơi liên quan, từ đó giúp các em có những cảm nhận cá nhân và tiếp thu bài học cho chính mình. Các em được học xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và bảo vệ cơ thể của bản thân với các thông điệp xuyên suốt về bình đẳng giới. Không khí lớp học vui vẻ hoạt náo hơn khi tới phần thực hành. Các bạn nhỏ được học về kỹ năng thuyết trình, đưa ra quyết định; hiểu về tình yêu tuổi học trò, sự quan tâm của cha mẹ chủ động kết nối với cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày.

Em Vy Sang Nhi, học sinh lớp 6A10, Trường THCS Nha Trang hào hứng: Trước đây, dù đã được học về GDGT nhưng em rất ngại nhắc đến vì cho rằng đó là chuyện nhạy cảm. Sau khi đã tham gia khóa học em đã có cách nhìn khác GDGT, bây giờ, em đã có thể cởi mở chia sẻ điều này cùng bố mẹ.

Còn em Nguyễn Trung Dũng, thì lại có cơ hội trải nghiệm nhiều điều thú vị, Dũng chia sẻ: Tham gia trại hè, em đã biết thêm về quyền cơ thể, những nguy cơ có thể bị xâm hại bằng mọi hình thức, nói không với phân biệt đối xử thông qua các trải nghiệm đóng kịch, tranh biện, các trò chơi và tương tác với bạn bè trong lớp.

Trong quá trình khóa học diễn ra, phụ huynh cũng được cập nhật tình hình học của các con mỗi ngày. Chị Lê Hương Giang, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) nói: Đôi lúc, dù rất muốn tâm sự với con nhưng bản thân tôi thậm chí vẫn cảm thấy ngại ngùng. Sau khi tham gia hoạt động tại trại hè, hai mẹ con đã cùng nhau chia sẻ, tôi cảm thấy rất vui khi con mở lòng hơn.

Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Công ty tư vấn và đào tạo kỹ năng sống STB cho biết: Truyền đạt về GDGT không chỉ là thông qua vài tiết học lý thuyết mà nó đòi hỏi một quá trình, cũng như lồng ghép vào các câu chuyện,. trò chơi sinh động để các em dễ tiếp thu và bợt ngại ngùng khi nói về vấn đề này. Trước khóa học phụ huynh chủ yếu biết đến GDGT là dạy các kiến thức về cơ thể hay phòng, chống xâm hại, cũng như phụ huynh có nhiều băn khoăn về việc kết nối cảm xúc với các con. Qua khóa học, phụ huynh và học sinh có cơ hội chia sẻ, tâm sự về những nỗi niềm mà có thể trong cuộc sống hàng ngày cả hai bên còn khó nói. Đây là một cách tiếp cận mới, giúp các học sinh trang bị thêm cả về phẩm chất, kiến thức và kỹ năng cần thiết về GDGT toàn diện. Qua đó, giúp phụ phuynh và học sinh đủ kiến thức, kỹ năng để đối mặt với nhiều vấn đề xã hội hiện nay như: xâm hại tình dục, bắt nạt học đường, định kiến giới…