Tri ân những người có công

23:01, 26/07/2020

Hiện nay, 99,99% gia đình người có công (NCC) với cách mạng trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ, NCC. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà gia đình NCC… Tất cả mọi hành động tri ân, chăm sóc NCC được xuất phát từ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, một nghĩa cử cao đẹp, nhân văn được thẩm thấu sâu đậm trong trái tim mỗi người dân.

Đất nước đi qua thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, rồi đến các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết một lòng, đóng góp sức người, sức của cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng. Trong khung cảnh đất nước thanh bình, tĩnh tâm nhìn lại thấy non sông gấm vóc Việt Nam phải đắp đổi nhiều lắm xương máu của các thế hệ cha anh. 

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH): Toàn tỉnh có 10.821 liệt sĩ, 6 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 7.189 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 2.742 bệnh binh, 13.178 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, trên 95.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến đã được hưởng chính sách ưu đãi một lần. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 562 người mẹ được vinh danh Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhiều mẹ có hai con là liệt sĩ. Trên khắp mọi miền của Tổ quốc, những nghĩa trang liệt sĩ lặng lẽ dưới bóng tùng dương còn cốt xương bao người con của vùng đất thép Thái Nguyên. 

Trao đổi với chúng tôi khi vừa cùng Đoàn công tác của tỉnh vào viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị) trở về, đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7) hàng năm, tỉnh đều cử đoàn công tác đại diện cho cán bộ, nhân dân của tỉnh vào các nghĩa trang liệt sĩ ở tỉnh Quảng Trị và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Hà Giang thắp hương tưởng nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ. Hiện nay, tỉnh ta đang thực hiện chính sách ưu đãi với trên 130.000 NCC với cách mạng, trong đó có hơn 21.000 người có công hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và có hơn 6.000 người hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ. Các đối tượng NCC được chăm sóc đầy đủ và toàn diện trên các lĩnh vực: Nhà ở, đất đai, chăm sóc nuôi dưỡng, điều dưỡng sức khỏe, giáo dục, y tế...

Hàng năm, Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh đón gần 2.000 người có công vào điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
Ảnh: P.N.C

Để công tác chăm sóc NCC với cách mạng được vẹn toàn, tỉnh có chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc NCC. Mục đích xã hội hóa là tạo cho NCC và gia đình họ có nhiều hơn cơ hội vươn lên; đồng thời để nhắc nhớ mỗi người về đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”, tạo cho mỗi người trong xã hội được tri ân, đáp đền NCC với đất nước thông qua nghĩa cử tri ân. Việc tri ân với người có công được thể hiện cao nhất thông qua các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” và xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Hằng năm, Ủy ban MTTQ các cấp thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động tổ chức và tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, NCC với cách mạng, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Từ nhiều năm nay, MTTQ các cấp đã phối hợp với ngành LĐ-TB&XH, và cùng với sự ủng hộ đóng góp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế - xã ội, đoàn thể, nhân dân trên địa bàn tỉnh, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động được kết quả cao. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã vận động được hơn 42 tỷ đồng, trong đó Quỹ cấp tỉnh thu được hơn 17 tỷ đồng; quỹ cấp huyện và cấp xã, phường, thị trấn thu được trên 25  tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được sử dụng đúng mục đích, ý nghĩa như thăm hỏi, trợ cấp đột suất, hỗ trợ cho gia đình NCC phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Cùng với việc thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các gia đình NCC có cuộc sống ổn định, tỉnh đã chỉ đạo cho các cấp, ngành chức năng triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Chính phủ về hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở. Đồng chí Bàn Phúc Quang, Trưởng phòng NCC (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Từ năm 2013 đến 2019, toàn tỉnh đã có 8.912 hộ được hỗ trợ về nhà ở, trong đó xây mới 3.441 hộ; sửa nhà ở  5.471 hộ, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 247 tỷ đồng. Riêng trong 2 năm gần đây (2018-2019) trên địa bàn tỉnh có 7.896 hộ được hỗ trợ về nhà ở, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 214,6 tỷ đồng, trong đó 2.837 hộ xây mới; 5.059 hộ sửa chữa. Theo Quyết định trên, hộ làm nhà mới được hỗ trợ 40 triệu đồng; hộ sữa chữa nhà được hỗ trợ 20 triệu đồng. 100% số nhà được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa đảm bảo đúng tiêu chí 3 cứng (nền cứng, khung tường cứng, mái cứng). Cùng với ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, nhân dân còn tham gia quyên góp được hàng tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động giúp đỡ gia đình NCC… 

Những việc làm tri ân ngày một lan tỏa, trở thành một phong trào rộng khắp và được triển khai thường xuyên, liên tục, cũng giống như một liệu pháp tâm lý làm vơi nguôi nỗi đau của bao Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thân nhân liệt sĩ. Củng cố vững chắc niềm tin đối với NCC, đồng thời khuyến khích NCC vượt lên khó khăn thực tại, tiếp tục phát huy truyền thống gia đình cách mạng, gương mẫu trước các phong trào địa phương.