Góp phần giảm nghèo bền vững

05:23, 29/08/2020

Sau 10 năm triển khai, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bộ mặt nông thôn huyện Phú Bình đã từng bước khởi sắc, góp phần quan trọng trong thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững. 

Để các hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT đạt hiệu quả, ngay từ những ngày đầu triển khai Đề án, UBND huyện đã chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thực hiện điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT và nhu cầu sử dụng qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn toàn huyện. Trong 10 năm, các cấp, ngành liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền đồng bộ, và tư vấn học nghề cho gần 15.000 LĐNT. Việc điều tra khảo sát, dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT được tiến hành thông qua phỏng vấn trực tiếp với người lao động. Kế hoạch dạy nghề từng năm được cơ quan chức năng của huyện xây dựng theo nhu cầu sử dụng lao động và có hợp đồng đầu ra tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Do vậy, các nghề được đào tạo phù hợp với nhu cầu người học cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Theo bà Kiều Thị Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình: Từ năm 2010 đến 2020, toàn huyện thực hiện đào tạo cho 17.005 LĐNT, trong đó, 7.300 người học nghề nông nghiệp; 9.705 người học nghề phi nông nghiệp, vượt chỉ tiêu đào tạo 130%. Do thực hiện đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nên tỷ lệ LĐNT sau đào tạo có việc làm đạt bình quân trên 75%... Bằng cách “cầm tay chỉ việc”, Ban Chỉ đạo Đề án huyện tổ chức thí điểm một số mô hình dạy nghề phi nông nghiệp và nghề nông nghiệp cho nông dân, như: Về nghề may công nghiệp thí điểm tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện; về kỹ thuật trồng hoa ly thí điểm tại xã Đồng Liên(năm 2018, xã Đồng Liên chuyển về T.P Thái Nguyên).
 
Theo kết quả khảo sát, đánh giá của cơ quan chức năng, 2 mô hình may công nghiệp và trồng hoa ly đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, và được nhân rộng. Cụ thể về nghề may công nghiệp đã có trên 1.000 LĐNT sau học nghề, được các doanh nghiệp, như: Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT; Công ty May Thành Hưng… tiếp nhận vào làm việc, với mức lương bình quân từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Về mô hình trồng hoa ly, các học viên đã vận dụng hiệu quả kiến thức học được vào quá trình phát triển kinh tế hộ phù hợp với điều kiện kinh tế tại địa phương. Trên 80% số LĐNT sau đào tạo đã sử dụng đúng nghề, áp dụng có hiệu quả sau đào tạo, sản phẩm hoa ly đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững.
 
Nhằm giảm bớt khó khăn cho LĐNT tham gia học nghề, bằng ngân sách Trung ương, địa phương và các chương trình, dự án, huyện Phú Bình thực hiện hỗ trợ kinh phí đào tạo cho hơn 17.000 người, trong đó có gần 5.000 lao động nữ; 455 lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; hơn 500 lao động người dân tộc thiểu số; 553 lao động diện hộ nghèo và 271 lao động là người khuyết tật. Đặc biệt sau đào tạo, hơn 18.300 người có việc làm cho thu nhập ổn định, trong đó, gần 8.000 người làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp và có hơn 10.600 người có việc làm mới.
 
Bà Đoàn Thị Thu Huyền, chuyên viên, phụ trách lao động việc làm Phòng Lao động - TBXH huyện Phú Bình cho biết: Sau đào tạo nghề, toàn huyện có hơn 9.000 LĐNT được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động; hơn 1.300 LĐNT nhận bao tiêu sản phẩm; 7.800 LĐNT tiếp tục gắn bó với nghề cũ nhưng năng suất lao động tăng, thu nhập tăng hơn so với trước khi tham gia đào tạo nghề; gần 400 LĐNT thành lập doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, nhóm sản xuất làm việc có hiệu quả. Đặc biệt có hơn 500 LĐNT tham gia học nghề đã ứng dụng những kiến thức mới và kinh nghiệm vào phát triển kinh tế của gia đình đã thoát nghèo; hơn 2.700 hộ gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá. 
 
Đào tạo nghề cho LĐNT đã tạo được sự chuyển biến tích cực của các cấp, ngành, địa phương và người lao động, góp phần quan trọng đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn trong thực hiện xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân.