Nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính

09:24, 26/08/2020

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nhằm đo lường, đánh giá tính hiệu quả về quản trị và hệ thống hành chính công cấp tỉnh dựa vào sự trải nghiệm của người dân; đánh giá mức độ hài lòng, phản ánh nguyện vọng của nhân dân đối với các cấp chính quyền. Thực hiện tốt PAPI cũng là một trong những giải pháp góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, phục vụ nhân dân.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, cải thiện chỉ số PAPI. Đặc biệt, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ phối hợp với các cấp, ngành liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhiều biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công CCHC. Những năm đầu nhiệm kỳ 2015-2020, chỉ số PAPI của tỉnh đã có cải thiện tích cực, nằm trong nhóm tỉnh, thành cao nhất. Trong đó, có một số nội dung, tiêu chí đạt nhóm cao, như: Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định, quản trị điện tử...Tuy nhiên, chỉ số PAPI năm 2019 của tỉnh lại có sự suy giảm.

Đồng chí Phạm Tuấn Cẩn, Trưởng phòng CCHC (Sở Nội vụ) cho biết: Để tăng cường các biện pháp, giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI để giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả đồng bộ 8 trục nội dung đánh giá của PAPI. Đối với các trục nội dung xếp thứ hạng thấp trong năm 2019 cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân, đưa ra giải pháp phù hợp.

Mới đây nhất, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị mời nhóm chuyên gia phân tích kết quả chỉ số PAPI tỉnh Thái Nguyên năm 2019. Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ có biện pháp, giải pháp chỉ đạo, thực hiện cải thiện những tiêu chí, nội dung còn yếu liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao quản lý trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương (đặc biệt đối với cấp xã, là cấp trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với người dân) tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.

Theo các chuyên gia của Bộ Nội vụ và đại diện các đơn vị tổ chức đánh giá, xếp hạng chỉ số PAPI, Thái Nguyên cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, triển khai thực hiện của các cấp chính quyền, địa phương. Đặc biệt cấp cơ sở, vai trò giám sát của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý, sử dụng, giám sát chặt chẽ các khoản đóng góp tự nguyện của người dân tại cộng đồng; tăng cường đối thoại giữa các cấp chính quyền và nâng cao hiệu quả các cuộc tiếp xúc với người dân. Đồng thời, chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Bảo vệ môi trường tới nhân dân, nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền lợi, nghĩa vụ của người dân.

Việc nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trực tiếp liên quan tới người dân tại cấp xã cần thực hiện triệt để, hiệu quả hơn. Song song với đó là cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện quy định về giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ bộ TTHC. Vấn đề nữa là công tác công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự án, công trình đầu tư, danh sách hộ nghèo, thu, chi ngân sách, các khoản phí, lệ phí… trong tỉnh phải bảo đảm đúng quy định.

Để cải thiện chỉ số PAPI năm 2020 cũng cần phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, chính quyền các cấp trong công tác giải trình, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, đối thoại với nhân dân. Tăng cường kiểm soát, phòng, chống tham nhũng trong khu vực công, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng, để nhân dân biết, giám sát; tăng cường kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc xả rác, xả thải ra môi trường không đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được quyền giám sát, tố giác các hành động vi phạm về pháp luật môi trường; tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn nước sông, suối, kênh rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác.