Mưa dông kéo dài liên tục trong những ngày qua đã gây sạt lở, sụt lún tại khu vực chân bãi thải mỏ than Minh Tiến của Công ty CP Yên Phước, thuộc xóm Ao Soi và xóm Cây Thổ, xã Na Mao (Đại Từ) khiến các hộ dân sống tại đây lo lắng. Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền các cấp cùng ngành chức năng đã khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng và triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Sáng 7-8, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành liên quan đã đi kiểm tra hiện trạng sạt lở mỏ than Minh Tiến. Đồng chí yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp - PTNT, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và UBND huyện Đại Từ khẩn trương làm việc với Công ty CP Yên Phước để đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng trên và báo cáo cụ thể với UBND tỉnh. Đối với UBND huyện Đại Từ và UBND xã Na Mao cần xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người dân, tích cực động viên người dân trong khu vực nguy hiểm di dời đến nơi an toàn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, thực hiện trực chốt 24/24h để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”. |
Ngày 7-8, đi thực tế tại khu vực mỏ than Minh Tiến (thuộc địa phận 2 xã Na Mao và Phú Cường), chúng tôi thấy sườn bãi thải có hiện tượng xói mòn, trượt lở đất tại một số vị trí; chân bãi thải có các hố lắng gom nước. Bên cạnh đó, các tầng thải không có rãnh, mương thoát nước nên nước mưa ngấm vào thân tầng thải gây nguy cơ sạt lở cao. Khu vực xảy ra sạt lở, sụt lún tại chân bãi thải có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến 13 hộ dân. Trong đó, có 4 hộ thuộc xóm Ao Soi, xã Na Mao sinh sống gần chân bãi thải nhất từ 300 đến 500m; các hộ còn lại thuộc xã Phú Cường nằm cách chân bãi thải từ 500-800m.
Ông Vi Văn Hải, một trong những hộ dân sinh sống gần chân bãi đổ thải thuộc xóm Ao Soi, xã Na Mao lo lắng: Gia đình tôi nằm cách chân bãi đổ thải khoảng 300m. Nhiều tháng nay, chúng tôi luôn sống trong tâm trạng sợ hãi mỗi khi trời mưa vì phải di chuyển đến nhà người thân cách đây 1km để ở nhờ. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã phải di chuyển 8 lần, lần lâu nhất phải đi ở nhờ gần 1 tuần. Tôi đề nghị chính quyền địa phương và Công ty CP Yên Phước sớm hỗ trợ để gia đình tôi chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, vào năm 2018 việc đổ thải của Công CP Yên Phước đã gây bồi lấp trên 5ha ruộng của 40 hộ dân thuộc xóm Cây Thổ và xóm Ao Soi, xã Na Mao gây thiệt hại về sản xuất cho người dân trên 610 triệu đồng. Đến đầu năm 2019, Công ty lại tiếp tục đổ thải gây bồi lấp hệ thống mương tưới tiêu và 6ha ruộng của 57 hộ dân xóm Cây Thổ, Ao Soi gây thiệt hại trên 455 triệu đồng.
Bãi đổ thải của Công ty CP Yên Phước có nguy cơ sạt lở, gây mất an toàn cho người dân.
Gia đình ông Vi Văn Hải, xóm Ao Soi, xã Na Mao lo lắng khi nằm cách chân bãi đổ thải khoảng 300m..
Tháng 7-2019, 75 hộ dân của xóm Ao Soi và xóm Cây Thổ tiếp tục phản ánh về hoạt động nổ mìn của Công ty CP Yên Phước trong quá trình mở nẹp trình khai thác than gây rạn nứt nhà ở và các công trình phụ trợ của người dân. Đến tháng 11-2019, người dân nơi đây đã phát hiện nhiểu vết nứt lớn rộng từ 0,5-1,5m, dài từ 10-30m, độ sâu không xác định nằm theo trục dọc thẳng phía dưới chân bãi đổ thải của Công Ty CP Yên Phước. Công ty đã thỏa thuận mua lại 7ha đất của bà con ở dưới chân bãi đổ thải, sau đó cho máy móc san gạt, cắt tầng, tạo hố lắng để che lấp toàn bộ các vết nứt nói trên.
Đến đầu tháng 8, do ảnh hưởng của mưa lớn, khu vực chân bãi đổ thải của Công ty lại tiếp tục xảy ra hiện tượng sụt lún đất đá với chiều dài khoảng 30m, lún sâu 0,6m. Ước tính khu vực này còn khoảng 9.000m3 đất đá có nguy cơ cao tiếp tục xảy ra sạt lở.
Sau khi xảy ra sự việc sạt lở đất đá tại khu vực bải thải của Công ty CP Yên Phước, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá hiện trạng, đề xuất biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Tại buổi kiểm tra thực địa và làm việc với lãnh đạo Công ty, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thực hiện cắt thêm tầng thải tại khu vực đã xảy ra hiện tượng sạt trượt; thi công hệ thống mương, rãnh thoát nước bãi thải theo thiết kế đã được phê duyệt. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở, sụt lún phải di dời…
Xã Na Mao đã thành lập 2 chốt cắm biển cảnh báo nguy hiểm và cử người túc trực 24/24h không để người dân đến gần khu vực có nguy cơ sạt lở.
Còn theo đồng chí Phạm Quang Anh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ: Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống dưới chân bãi đổ thải của Công ty CP Yên Phước, UBND huyện đã yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương di dời các hộ dân sinh sống dưới chân bãi thải đến nơi an toàn; khoanh vùng, cắm biển cảnh báo nguy hiểm và cử người túc trực 24/24 giờ, không để người dân đến gần khu vực có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, yêu cầu Công ty CP Yên Phước thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân. Về lâu dài, chúng tôi sẽ làm việc với Công ty CP Yên Phước để thực hiện việc di dời, tái định cư cho các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn hơn.
Về phía đại diện Công ty CP Yên Phước, ông Bùi Minh Hợp, Giám đốc điều hành mỏ cho biết: Chúng tôi đã cử cán bộ, nhân viên thường xuyên theo dõi, túc trực 24/24 cùng các phương tiện như máy múc, ô tô để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, xử lý các vị trí xung yếu, thay đổi dòng chảy, cắt tầng thải…
Còn nhớ năm 2012, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra vụ sạt lở bãi thải của mỏ than Phấn Mễ, cướp đi sinh mạng của 7 người dân và là nỗi ám ảnh của nhiều người dân xã Phục Linh (Đại Từ). Để không còn xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vậy, rất mong chính quyền các cấp cùng ngành chức năng kịp thời triển khai các biện pháp trước mắt và lâu dài; đồng thời, giám sát tiến độ thực hiện để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân.