Xóm Chiềng, xã Lương Phú (Phú Bình) hiện có 64 hộ dân với 278 nhân khẩu. Tuy là xóm thuần nông nhưng người dân nơi đây luôn có ý thức thực hiện công tác dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Nhờ vậy 12 năm qua, xóm Chiềng không có người sinh con thứ ba trở lên dù xóm có hơn 20 cặp vợ chồng sinh con một bề là gái.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Dương Văn Du, chị Đỗ Thị Hòa. Anh chị có hai con gái, cháu lớn 8 tuổi và cháu thứ hai 6 tuổi. Cuộc sống khá giả, vợ chồng anh thấy rất hạnh phúc, hài lòng về hai cô con gái ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Chị Hòa chia sẻ: Khi sinh còn một bề, vợ chồng tôi được cán bộ phụ trách dân số của khu dân cư vận động chỉ nên dừng lại ở hai con để chăm sóc, nuôi dạy cho tốt. Hai vợ chồng cũng đồng thuận nên cũng không có ý định sinh thêm để tìm “quý tử”.
Cũng giống như gia đình anh chị Hòa, vợ chồng anh Nguyễn Hùng Cường, chị Dương Thị Thanh Hải có hai cháu gái, cháu lớn năm nay 15 tuổi, cháu nhỏ 4 tuổi. Kinh tế gia đình ngày càng khá giả nhưng anh chị không có ý định sinh con thứ ba. Chị Hải cho hay: Trước đây, tôi cũng mong muốn sinh thêm để cho “có nếp, có tẻ”, nhưng cán bộ dân số xã, công tác viên dân số xóm đến vận động nên dừng lại, hai vợ chồng cũng thấy cần tập trung phát triển kinh tế gia đình. Nếu sinh thêm con sẽ rất vất vả và không có thời gian chăm sóc các cháu.
Được biết trong những năm qua, Chi bộ, Ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể của khu dân cư xóm Chiềng thường xuyên lồng ghép các nội dung về thực hiện Chính sách DS-KHHGĐ vào những buổi sinh hoạt tập thể. Chi hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên cùng cộng tác viên dân số thường đến từng gia đình để nắm bắt tâm tư nguyện vọng và tư vấn trực tiếp cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trong thực hiện chính sách dân số, áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về lợi ích của việc sinh ít con để có điều kiện nuôi dạy tốt cũng như phát triển kinh tế gia đình... Nhờ vậy, suốt 12 năm qua, xóm Chiềng không có người sinh con thứ ba trở lên.
Chị Hoàng Thị Hà, Cộng tác viên dân số xóm Chiềng cho biết: Để duy trì kết quả trên, chúng tôi luôn chủ động tham mưu với cấp ủy chi bộ đề cao vai trò của các đảng viên trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó tập trung vào những cặp sinh con một bề là gái. Phối hợp với các chi hội, đoàn thể thường xuyên theo dõi, nắm bắt tuyên truyền, vận động các gia đình sinh con một bề không sinh thêm để tập trung phát triển kinh tế và coi đây là một tiêu chí quan trọng để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm. Chị chia sẻ thêm: “Lúc đầu cũng khó khăn vì có nhiều gia đình, ông bà, bố mẹ, chồng cũng rất muốn sinh thêm con thứ ba để có người nối dõi tông đường. Chúng tôi đã đến trực tiếp tư vấn, động viên, tuyên truyền và giải thích cho các gia đình nhiều lần về cái lợi – hại của việc đẻ nhiều con.
12 năm liền không có người sinh con thứ ba, xóm Chiềng trở thành một điểm sáng về thực hiện Chính sách DS-KHHGĐ. Điều này góp phần tích cực trong phát triển kinh tế của người dân. Hiện nay, cả xóm chỉ còn 2 hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng lên theo từng năm, thu nhập bình quân của xóm đạt trên 34 triệu đồng/người/năm. 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, không có trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng… Năm 2019, 98% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Xóm nhiều năm được Chi cục Dân số - KHHGĐ và Trung tâm DS-KHHGĐ huyện biểu dương, khen thưởng.