Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp, sự nỗ lực, sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, môi trường các vùng nông thôn ở Đại Từ đã có sự cải thiện, từng bước đáp ứng tiêu chí.
Trong thực hiện tiêu chí môi trường, công tác tuyên truyền, vận động được huyện đặt lên hàng đầu. MTTQ và các đoàn thể với vai trò là nòng cốt đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh, lắp đặt pano, khẩu hiệu, trực tiếp đến từng nhà vận động, phát động phong trào vệ sinh môi trường, xây dựng hương ước cho các xóm về việc giữ gìn vệ sinh môi trường; vận động bà con vệ sinh đường làng, ngõ xóm, sân vườn, trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp.
Nhớ lại năm 2014, khi xã Cù Vân dồn sức thực hiện các tiêu chí còn thiếu để về đích NTM, trong đó tiêu chí môi trường là tiêu chí khó nhất. Bởi thời điểm đó, người dân địa phương vẫn chưa có thói quen để rác vào nơi quy định mà cứ bạ chỗ nào vứt chỗ đó khiến môi trường nông thôn ở đây bị ô nhiễm. Xã đã phải vận động người dân thành lập tổ thu gom rác của xã, gồm 7 người. Các thành viên của tổ hằng ngày đi thu gom rác tại các hộ và 10 ngày/lần thực hiện chở đến điểm tập kết của xã nên xã đã giải quyết được vấn đề khó khăn này. Đồng chí Đặng Cương Quyết, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Công việc của người thu gom rác thải không phải ai cũng sẵn lòng làm. Vì vậy, những người tham gia tổ thu gom rác phải thực sự là những nhiệt tình, biết hy sinh bản thân vì lợi ích của cộng đồng mới có thể làm tốt.
Hiện nay, các xã, thị trấn đã xây dựng đượccác điểm tập kết rác thải sinh hoạt, thành lập tổ thu gom rác thải. Trên địa bàn huyện đã thành lập và duy trì 446 câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”, 185 mô hình thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Mỗi ngày, các địa phương thu gom về bãi rác của huyện xử lý khoảng 60-65 tấn rác.
Ngoài rác thải sinh hoạt, ô nhiễm tiềm tàng từ việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp, bao gồm: Vỏ chai, lọ, túi nilon chứa hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) là mỗi đe dọa môi trường ở các vùng nông thôn. Đây là loại chất thải nguy hại, có khả năng gây độc hại đến hệ sinh thái, cần phải được xử lý đúng cách. Vì vậy, việc giải quyết bao bì thuốc BVTV những năm gần đây được huyện đặc biệt chú trọng.
La Bằng là xã đầu tiên của huyện thực hiện được việc thu gom khá triệt để bao bì thuốc BVTV. Sở dĩ như vậy, bởi xã được hưởng lợi từ Dự án “Xây dựng mô hình quản lý thí điểm chất thải chứa hóa chất BVTV ở một số xã chuyên canh chè, lúa và rau trên địa bàn tỉnh” do Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai. Theo đó, xã được hỗ trợ, đầu tư xây dựng, lắp đặt, bổ sung trang thiết bị thu gom, vận chuyển, lưu chứa chất thải chứa hóa chất BVTV. Đi dọc con đường men theo dòng suối Kẹm, chúng tôi thấy, cứ cách khoảng 200m lại có một bể chứa được đặt ngay bên đường, dưới chân các đồi chè. Ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, chúng tôi cũng xây dựng 53 bể chứa bao bì thuốc BVTV nhưng không có nắp đậy nên không đảm bảo cách ly chất thải với môi trường xung quanh. Được Dự án hỗ trợ 200 chiếc bể chứa đảm bảo tiêu chuẩn, nên xã đã thay thế toàn bộ số bể cũ. Hiện nay, người dân sau khi sử dụng thuốc BVTV đều tự giác thu gom các bao bì vào bể chứa, không còn tình trạng vứt bừa bãi ra môi trường.
Từ mô hình của La Bằng, đến nay, việc xây dựng các bể chứa bao bì thuốc BVTV đã nhân rộng ra toàn huyện. Mỗi năm, huyện đã thu gom trên 15 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV.
Có thể thấy, việc tăng cường các biện pháp cải thiện môi trường nông thôn đã mang lại nhiều kết quả, mang đến luồng sinh khí mới cho các địa phương, người dân đã đồng lòng trong thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi. Đến nay, toàn huyện có 22 xã hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM, môi trường nông thôn ngày càng trong lành hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn.