Sau vài tháng trầm lắng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời điểm này, "chợ lao động" họp tự phát tại khu vực gần đường tròn Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) tấp nập trở lại. Với đôi dép lê, bộ quần áo và chiếc mũ cối cũ sờn, tôi trở thành một lao động tự do, gia nhập “chợ lao động” ở khu vực gần đường tròn Đồng Quang vào một ngày giữa tháng 9. Khoảng 6 giờ sáng, tôi đã có mặt tại khu vực này; 6 giờ 20 phút, xuất hiện lác đác một vài lao động. Đến 7 giờ, chợ lao động” đã sôi động với gần 30 người (cả nam và nữ) độ tuổi từ 35 đến 60, trên xe máy vắt vẻo xẻng, cuốc...
“Chợ lao động” đang như “ong vỡ tổ” bởi đủ thứ chuyện trên trời, dưới bể thì một bác trai đỗ xe bên vệ đường. Ngay lập tức, bác bị đám đông vây kín. Sau vài câu trao đổi, bác bảo chỉ cần thuê 2 người xúc đất lên ô tô nhưng có tới 11 người đi xe máy theo sau. Đến chỗ đống đất, sau một hồi “ngã giá”, bác trai chọn một người đàn ông giao việc và đồng ý trả 600 nghìn đồng tiền công. Người đàn ông chọn thêm 2 lao động nam, 1 lao động nữ, số còn lại lục tục quay trở về “chợ”.
“Chầu chực” cả buổi sáng ở “chợ người”, tôi chỉ thấy có 4 người đến thuê lao động và “điệp khúc” cả đoàn người bám theo rồi lại quay về cứ lặp đi lặp lại. Nhân lúc rỗi rãi, tôi bắt chuyện với những người lao động tự do và biết một số “luật ngầm” chốn “chợ người”: “Muốn làm phải có nhóm, một mình không làm được”; “Đã thấy nhóm kia nhận rồi là phải tránh”; “Nghiêm cấm phá giá”; “Phải khỏe và thạo nhiều việc, nhất là sửa nhà vệ sinh; móc cống; xây, sửa nhà; trèo cao chặt cây; xúc đất; khoan đục phá tường”...
Qua quan sát và nghe ngóng, tôi nhận thấy “chợ” có một số nhóm, trong đó có nhóm người quê Bắc Ninh; nhóm quê ở huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, T.P Thái Nguyên…, chủ yếu là nông dân tranh thủ kiếm việc lúc nông nhàn. Người nào nhận được việc sẽ tự tổ chức nhóm của mình cùng làm. Thu nhập của người lao động ở đây trung bình từ 6-10 triệu đồng/30 ngày công.
Do hoạt động tự phát nên người lao động không có bảo hộ lao động, không quan tâm đến an toàn lao động; thời gian qua, có không ít người đã bị tai nạn trong quá trình làm việc. Một vấn đề đáng bàn nữa là người lao động đứng tràn lan trên vỉa hè cản trở người đi bộ, đôi khi lại đột ngột lao ra đường “tranh khách” tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Cũng như những thị trường lao động khác, “chợ người” chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19, rất ít việc, phần lớn người lao động đành phải về quê. Nghề lao động tay chân, an toàn lao động còn chẳng màng nên không mấy ai quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh. Người lao động tại “chợ” vẫn tập trung đông người, chuyện trò không đeo khẩu trang, không dùng dung dịch rửa tay sát khuẩn…
Trước thực trạng hoạt động kiểu tự phát như hiện nay, rất cần sự quản lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Việc thành lập một nghiệp đoàn, câu lạc bộ hay nhóm, hội lao động tự do, cho phép người lao động tập trung tại một khu vực nhất định là giải pháp nên được xem xét. Trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, các cơ quan chức năng liên quan nên tăng cường tuyên truyền đến người lao động tự do về việc tuân thủ giãn cách, tránh tập trung đông người, biết cách phòng tránh dịch cho chính mình và cộng đồng.