Cử chỉ lóng ngóng; dáng người xô lệch; lời nói không tròn âm; ánh mắt dè dặt… Đó là những hình ảnh đầu tiên đọng lại trong tâm trí tôi khi đến thăm lớp học nghề: “Nuôi và phòng trị bệnh cho gà”, do Trung tâm dạy nghề Người tàn tật Thái Nguyên tổ chức, tại xóm Trường Giang, xã Vạn Phái (T.X Phổ Yên).
Anh Trần Văn Hiển, lớp trưởng cho biết: Tham gia lớp học có 20 học viên, 100% học viên đều là người khuyết tật (NKT), dù thể trạng không hoàn hảo nhưng tựu chung họ đều có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Còn chị Tạ Thị Thanh Nga, Giám đốc Trung tâm, người tâm huyết, hết lòng vì NKT cho biết: Đây là một trong khá nhiều các lớp đào tạo nghề do Trung tâm tổ chức. Học viên mỗi người một cảnh, có người do tai nạn lao động; tai nạn giao thông mà bị mất đi một phần thân thể; hoặc do dị tật bẩm sinh, từ lọt lòng mẹ đã mang thân thể khiếm khuyết, khổ nhất là những người có tinh thần không khỏe mạnh. Nhưng tất cả các học viên của tôi đều là những người đáng mến.
Với mong muốn trao cho NKT “chiếc cần câu” để sau đào tạo, học nghề, bản thân họ không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong thời gian 10 năm gần đây, Trung tâm đã đào tạo nghề, dạy nghề cho hơn 400 NKT, riêng năm 2019 Trung tâm tổ chức 4 lớp, với tổng số 60 học viên là NKT tại xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) và các xã Văn Yên, Tiên Hội, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Các nghề đào tạo phù hợp với NKT là nghề chăn nuôi, may công nghiệp. Hầu hết học viên lớp may công nghiệp sau đào tạo đã được các công ty may trên địa bàn tỉnh tuyển dụng vào làm việc có thu nhập ổn định. Tùy thuộc vào tay nghề từng người, mức thu nhập dao động từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Còn các lớp chăn nuôi, học viên sau đào tạo đã biết cách tổ chức sản xuất phù hợp, chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm nên có thu nhập cao hơn so với trước đó.
Trở lại xóm Trường Giang, chúng tôi tranh thủ giờ nghỉ giải lao của buổi học để trao đổi cùng cô giáo Lê Thị May, cử nhân Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp. Gạt mồ hôi lấm tấm trên mặt, cử chỉ chất phác, gần gũi, thân thiện, cô giáo May cho biết: Khóa đào tạo nghề, dạy nghề này được khai giảng từ trung tuần tháng Bảy, với thời gian học tập là 55 ngày, trong đó dành 25% thời gian cho học lý thuyết, 75% thời gian còn lại hướng dẫn cho học viên thực hành, chủ yếu trên gà. Để khuyến khích học viên, Nhà nước hỗ trợ toàn bộ cho từng người về tài liệu học tập; vở, bút viết và các nguyên vật liệu phục vụ thực hành như: gà, cám chăn nuôi, một số loại vacxin (thuốc phòng, chữa bệnh cho gà).
'
Giờ học lý thuyết về “Nuôi và Phòng trị bệnh cho gà”dành cho người khuyết tật được tổ chức tại xóm Trường Giang, xã Vạn Phái (T.X Phổ Yên).
Ngoài việc không phải đóng học phí, học viên còn được hỗ trợ 30.000 đồng tiền ăn/ngày. Bằng cách “cầm tay, chỉ việc”; hướng dẫn nhiều lần, tỉ mỉ và nhẹ nhàng, tạo cho học viên chú ý vào bài học. Để sau kết thúc khóa học, học viên nắm bắt chắc chắn về cách xây dựng chuồng chăn nuôi; phương pháp úm gà; chuẩn bị máng ăn, máng uống; lựa chọn giống gà; chăm sóc nuôi dưỡng; vệ sinh phòng bệnh; phương pháp phòng bệnh thường gặp… Rất mừng là lớp học hằng ngày đều bảo đảm 100% sĩ số, và ai cũng đến lớp đúng giờ.
Chợt một học viên trung tuổi nói xen ngang - Đó là anh Đỗ Văn Mạnh, xóm Trường Giang. Anh bị bệnh động kinh, chân tay lóng ngóng, nói chuyện cứ ngắc ngứ vì phát âm khó khăn. Các học viên cùng lớp nhận xét: Dù bị khuyết tật, nhưng anh Mạnh là người chịu thương, chịu khó. Hằng ngày chăm chỉ làm lụng giúp vợ con việc đồng áng, chăn nuôi gà lợn, nhưng cuộc sống kinh tế gia đình còn chưa hết khó khăn.
Ngồi kế bàn bên là anh Lê Công Lai, xóm Bến Chảy. Do một lần làm việc dưới đường điện cao thế, bị điện phóng gây tai nạn phải cắt cụt mất cánh tay bên trái và hỏng chân bên phải. Mất 81% sức khỏe, tử bấy giờ (năm 2009), anh trở thành NKT. Anh chia sẻ: Gia đình tôi đang có cuộc sống rất khó khăn, nhà có 6 nhân khẩu, gồm hai vợ chồng, 4 con nhỏ đều trông cậy vào 5 triệu đồng tiền lương của vợ. Còn tôi ở nhà chỉ giúp được vợ chăm con gà, lợn và nấu ăn. Vì thế khi được tham gia lớp đào tạo nghề dành cho NKT, tôi mừng lắm. Vì cảm nhận được sự quan tâm, giúp dỡ, chia sẻ của mọi người trong cộng đồng xã hội. Mỗi ngày tôi đều cố gắng học tập để trở về đầu tư chăn nuôi gà xóa đói, giảm nghèo.
Tôi nhìn khắp lượt lớp học, nhận ra từ ánh mắt mỗi người sự thân thiện, gần gụi và một sự cầu thị chân thành. Anh Hiển cho biết thêm: Chúng tôi đều sinh ra từ trong gia đình nông dân, có truyền thống trồng trọt, chăn nuôi, nhưng thiếu kiến thức, thiếu khoa học kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Tham gia lớp đào tạo, dạy nghề này, chúng tôi có thêm nhiều thông tin mới, được tiếp cận với cách làm mới. Chúng tôi tự nhận thấy mình có nhiều hơn cơ hội vươn lên trong cuộc sống, cả về vật chất và tinh thần... Nhìn dáng vẻ lạc quan, song tôi kịp nhận ra từ khóe mắt đỏ khoe, nước mắt ầng ậc dâng lên từ lồng ngực. Mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, anh Hiển đều có cảm xúc như thế. Năm 20 tuổi, sau lần bị tai nạn giao thông, giám định y khoa, anh bị mất 81% sức khỏe, trở thành NKT. Giây lát hồi tâm trở lại, anh cho biết: Hiện mọi việc đồng áng trong gia đình đều đặt lên vai vợ, còn tôi chỉ làm được các việc lặt vặt, như quét dọn nhà, thỉnh thoảng cho gà, lợn ăn.
Trong lớp, mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi đau thân phận. Anh Trần Văn Đoàn, 27 tuổi, xóm Cơ Phi cho biết: Từ 1 năm nay, tôi phải đến bệnh viện chạy thận 4 lần/tuần. Sức khỏe yếu, song tôi vẫn đăng ký học và đi học đều. Chí ít là biết được một nghề. Mà nghề chăn nuôi gà cũng không đến nỗi nặng nhọc lắm… Mỗi người một chuyện làm không khí giở giải lao trở nên sôi nổi. Thỉnh thoảng lại có học viên trêu trọc, đuổi nhau chạy quanh bàn như trẻ con. Cô giáo May kể: Vì đây là lớp học dành cho NKT, bao gồm cả học viên bị khuyết tật thân thể và khuyết tật tinh thần, nên phương pháp đào tạo linh hoạt, phải “vừa dạy, vừa dỗ”; phải làm như thế nào đó để các học viên hòa nhập được với tập thể lớp.
Hằng ngày tiếp xúc với học viên không bình thường, nên giáo viên tham gia dạy nghề biết được mình cần làm gì, chí ít là một sự cảm thông, thấu hiểu và kiên nhẫn hết sức mình để học viên chú tâm học tập. Chị Vũ Thị Quý, xóm Trường Giang nói với chúng tôi rụt rè: Tôi bị bệnh động kinh. Tôi chỉ không là tôi lúc lên cơn. Còn bình thường ở nhà tôi vẫn làm lụng, giúp mọi người chăn nuôi gà, lợn. Tôi đang cố gắng hết sức để học lấy nghề chăn nuôi gà. Nhưng tôi cũng như các thành viên trong lớp học đặc biệt này, có chung một mong muốn là sau học nghề, được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi để đầu tư chăn nuôi gà. Vì nếu không có vốn đầu tư, chúng tôi mang kiến thức học được về nhà cũng chẳng để làm gì.