Đồng hành vượt khó

09:11, 13/09/2020

Đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng trực tiếp tới cả người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ). Nhiều lao động phàn nàn: Chỉ sau một đêm mình đã trở thành người thất nghiệp. Song song với đó, không ít đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh cân nhắc các giải pháp để tồn tại, như: Thực hiện cắt giảm lao động; tổ chức lại sản xuất; cơ cấu lại lực lượng lao động... cũng vì thế mà nhiều lao động không có việc làm ổn định, thậm chí thất nghiệp.

Bị ảnh hưởng nặng nhất chủ yếu là các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ du lịch. Ông Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Du lịch - Khách sạn Dạ Hương cho biết: Công ty đã phải hủy bỏ nhiều hợp đồng tour, tuyến, có tháng doanh thu gần như bằng không. Nhưng Công ty vẫn trả lương đầy đủ cho NLĐ để họ gắn bó… Hầu hết những đơn vị tham gia hoạt động kinh doanh ở các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến du lịch như: Lữ hành, ẩm thực, khách sạn, nhà nghỉ đều bị rơi vào tình cảnh này. Kéo theo đó là đời sống của NLĐ chật vật vì việc làm không ổn định.

Dù chưa có số liệu thống kê về các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải giải thể, nhưng chúng tôi được biết: Đại dịch COVID-19 đã làm thiệt hại lớn cho không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và trực tiếp là NLĐ. Bởi ngay đợt đầu xuất hiện dịch và thực hiện giãn cách xã hội, trên địa bàn của tỉnh đã có 3 doanh nghiệp ở huyện Võ Nhai đề nghị hỗ trợ đối với 49 NLĐ, với tổng kinh phí đề nghị chi trả gần 185 triệu đồng.

Còn tại T.X Phổ Yên, cơ quan chức năng đã thẩm định, chi trả hỗ trợ cho 32 người. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động – TBXH cho biết: 100% số lao động được chi trả hỗ trợ đều được các cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định và chi trả đúng quy định của Nhà nước. Bảo đảm không để người lao động bị thiệt thòi. 

Ông Baek Seung Hun, Phó giám đốc Công tyTNHH Bjsteel Việt Nam, Khu công nghiệp Sông Công 1 (T.P Sông Công) động viên người lao động yên tâm, gắn bó với công việc.

Thực tế có nhiều lao động tại một số các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải nghỉ việc để tránh phát tán lây lan dịch bệnh. Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - TBXH: Toàn tỉnh có 8.605 công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được xét, làm thủ tục nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Để NLĐ không bị thiệt thòi, các sở, ngành, cơ quan chức năng của tỉnh đã chủ động phối hợp, thực hiện rà soát, xây dựng văn bản hướng dẫn nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xác minh thực hiện thủ tục hỗ trợ đối với một số nhóm đối tượng, đặc biệt là đối với người không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người bị ngừng việc, mất việc do dịch COVID-19.

Liên quan đến NLĐ, ông Hoàng Văn Long, chuyên viên Ban Chính sách pháp luật (Liên Đoàn Lao động - LĐLĐ tỉnh) cho biết: Để nâng cao nhận thức, ổn định tâm lý cho NLĐ, ngay từ khi phát hiện dịch COVID-19, các cấp công đoàn đã tổ chức tuyên truyền cho trên 52.000 lượt công nhân về công tác phòng chống dịch, chủ yếu thông qua hình thức trực tuyến, qua các trang mạng xã hội; cấp phát 20 nghìn tờ gấp, xây dựng 14 cụm pano tuyên truyền, 236 băng zôn có nội dung tuyên truyền về phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế. Với phương châm 4 tại chỗ, LĐLĐ tỉnh đã cấp phát 12.000 khẩu trang, gần 10.000 chai nước rửa tay khử khuẩn và hỗ trợ kinh phí cho công đoàn cơ sở thực hiện phòng chống dịch, hỗ trợ gạo và tiền mặt cho 2.100 NLĐ gặp khó khăn do tác động của dịch, với tổng số kinh phí thực hiện hơn 1,2 tỷ đồng. 1.000 NLĐ có gia cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng được LĐLĐ tỉnh hỗ trợ với tổng số tiền 500 triệu đồng (500.000 đồng/người). 

Tuy nhiên đã nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhanh chóng thích ứng với tình hình dịch COVID-19, chủ động nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động phòng, chống dịch và duy trì sản xuất ổn định, bảo đảm việc làm cho NLĐ. Đơn cử như Công ty TNHH Bjsteel Việt Nam, Khu công nghiệp Sông Công 1. Phó Giám đốc Công ty, ông Baek Seung Hun cho Biết: Hàn Quốc cũng là một tâm dịch, nên chúng tôi có ý thức đề cao công tác phòng, chống. Từ đầu năm đến nay, 200 lao động người Việt Nam hợp tác làm việc với Công ty không có ai phải nghỉ việc. Nhiều lao động đăng ký được làm việc thêm giờ, kể cả ngày nghỉ cuối tuần…

Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh chia sẻ: Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhanh chóng ổn định sản xuất. Các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh không bị tác động nhiều do đại dịch COVID-19. Còn bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Từ đầu năm đến nay, đơn vị hoạt động ổn định, 22 lao động không phải giãn việc, lương và các chế độ chính sách được chi trả đầy đủ, đúng hạn. Tại Mỏ sắt Tiến Bộ (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên), có trụ ở tại xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên), chúng tôi cũng ghi nhận được ở đây một sự ổn định sản xuất. Ông Nguyễn Mạnh Linh. Phụ trách công tác y tế Mỏ cho biết: 280 cán bộ, viên chức, NLĐ của Mỏ được duy trì việc làm, không có trường hợp phải nghỉ việc do dịch…

Được biết: Mỏ sắt Tiến Bộ cũng như các đơn vị sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn tỉnh đều chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Như trong thời gian làm việc, NLĐ thực hiện giữ khoảng cách phù hợp. 100% NLĐ thực hiện đeo khẩu trang và chấp hành sát khuẩn tay thường xuyên. Đến Công ty CP May xuất khẩu Phú Lương, xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên), ông Lê Xuân Quảng, Tổ trưởng Tổ cơ điện cho biết: Tôi cũng như 260 lao động của Công ty tham gia đầy đủ ngày công lao động. Ngoài tiền lương, chúng tôi được Công ty thực hiện đầy đủ các chế độ liên quan đến quyền lợi NLĐ. Chúng tôi cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.