Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ đã có đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đề án mở ra cho bà con nông dân nhiều cơ hội về việc làm. Nhiều hộ có người sau khi được ĐTN đã thay đổi tư duy sản xuất, tự tin vươn lên phát triển kinh tế gia đình…
Theo kết quả khảo sát, điều tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tại thời điểm tháng 9-2010, dân số nông thôn trên địa bàn có hơn 866.000 người, chiếm 76,12% dân số toàn tỉnh, trong đó có gần 536.500 người trong độ tuổi lao động, gần 80.000 LĐNT có nhu cầu học 262 nghề khác nhau. Về nhu cầu sử dụng lao động đến năm 2015, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ cần thêm 114.300 lao động so với năm 2010.
Đến năm 2020 cần thêm 130.600 lao động so với năm 2015, trong đó, công nghiệp và xây dựng 59.000 người, dịch vụ 71.600 người. Trên cơ sở kết quả khảo sát, điều tra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án ĐTN cho LĐNT đến năm 2020 của tỉnh (viết tắt là Đề án 1956). Đề án được triển khai thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn I từ năm 2010 đến 2015, giai đoạn II từ năm 2016 đến 2020. Theo đó, UBND các cấp đều thành lập ban chỉ đạo Đề án, xây dựng và ban hành quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên để giúp UBND cùng cấp triển khai các hoạt động theo Đề án.
ĐTN cho LĐNT trực tiếp làm tăng tỷ lệ lao động của tỉnh qua đào tạo từ 48% năm 2011, lên 58,1% năm 2015, và từ 60,55% năm 2016 lên 70% năm 2020, trong đó 30,5% người lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Nhiều cơ sở ĐTN, dạy nghề được thành lập mới, hiện toàn tỉnh có 50 cơ sở dạy nghề đang hoạt động có hiệu quả, trong đó gồm 12 trường cao đẳng; 8 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 17 cơ sở khác tham gia ĐTN theo Đề án 1956, với tổng số 415 giáo viên tham gia dạy nghề.
Để thực hiện công tác ĐTN cho LĐNT đạt chất lượng cao, hàng năm, các cơ sở tham gia ĐTN không ngừng nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình dạy nghề đảm bảo khối lượng kiến thức chuyên môn, kỹ năng phù hợp với người học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của người học và nhu cầu sử dụng lao động của các DN. Sau quá trình ĐTN cho LĐNT đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề về chăn nuôi, gia đình ông Miêu Văn Tân (đứng giữa), ở xóm Táo, xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà với quy mô từ 1.000 đến 6.000 con/lứa.
Điển hình như mô hình ĐTN kỹ thuật gia công bàn ghế, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng tại xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) thu hút
gần 500 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 6,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Các mô hình ĐTN kỹ thuật chế biến và bảo quản sản phẩm chè tại thị trấn Hùng Sơn, xã La Bằng (Đại Từ) và xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) đã giúp hàng trăm LĐNT tiếp tục gắn bó với cây chè nhưng đạt mức thu nhập cao hơn so với trước khi tham gia lớp ĐTN từ 3 đến gần 5 triệu đồng/người/tháng.
Còn tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG - một trong những đơn vị đồng hành cùng Ban Chỉ đạo Đề án 1956 của tỉnh - đã có nhiều đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ ĐTN cho LĐNT. Trong cả 2 giai đoạn, Công ty đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức chiêu sinh, mở 360 lớp ĐTN may cho LĐNT. Sau đào tạo, Công ty tuyển dụng gần 9.000 người vào làm việc. Mức thu nhập của người lao động năm sau luôn cao hơn năm trước, tăng từ 3,8 triệu đồng năm 2013 lên 7,1 triệu đồng/người/tháng năm 2020...
Với phương châm “Chỉ ĐTN khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề trước khi tổ chức dạy nghề”, không dạy nghề theo số lượng, chỉ tiêu, dạy nghề gắn với thế mạnh của địa phương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 1956 của tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hàng năm tiến hành khảo sát, lựa chọn các nghề phù hợp, hiệu quả, mang tính bền vững. Sau 10 năm, có gần 59.000 lượt LĐNT được tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm, trong đó gần 49.000/80.000 LĐNT đã được ĐTN từ nguồn ngân sách Trung ương, đạt 61,22% so với chỉ tiêu của Đề án 1956; có 45.738 người đã học xong; gồm gần 28.400 người được ĐTN phi nông nghiệp; hơn 17.300 người được ĐTN nông nghiệp.
Sau đào tạo có 35.000 LĐNT có việc làm mới hoặc tiếp tục ổn định với công việc đã làm trước đây, trong đó có hơn 14.000 người được DN tuyển dụng; gần 4.000 người được DN ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hơn 15.600 người tiếp tục làm công việc cũ nhưng năng suất lao động và thu nhập tăng lên; gần 2.000 người thành lập DN, hợp tác xã, tổ hợp tác.
Cùng ĐTN cho LĐNT còn có 2.645 lượt cán bộ, cộng tác viên được tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, tư vấn chọn nghề, tìm việc làm cho LĐNT. Cũng vì thế mà hầu hết LĐNT được tiếp cận, nắm bắt chắc chắn các thông tin cần thiết về thị trường lao động, việc làm nên tự tin, chủ động tham gia lớp ĐTN theo khả năng của mình...
Kết quả ĐTN trực tiếp nâng cao trình độ, tay nghề và bổ sung nhân lực cho DN trong sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, giải quyết việc làm cho LĐNT tại địa phương. Mở ra cho LĐNT nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập hấp dẫn. Góp phần thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Theo dự kiến từ nay đến năm 2030, tỉnh thực hiện ĐTN cho 4.000 LĐNT/năm. Và khoảng 3.200 LĐNT sau đào tạo có việc làm mới, hoặc tiếp tục làm công việc cũ, nhưng đạt năng suất lao động cao hơn, thu nhập tăng hơn so với trước khi được ĐTN…