Phương pháp sử dụng máy xung điện, máy massage để chăm sóc sức khỏe đang được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh lựa chọn. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại máy không rõ nguồn gốc, xuất xứ; chưa nắm rõ cơ chế vận hành… thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là rất lớn.
Một vụ tử vong đáng tiếc sau khi sử dụng máy “xung điện” vừa xảy ra tại tổ dân phố số 1, phường Phố Cò (T.P Sông Công). Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Bích, sinh năm 1970, có hộ khẩu thường trú tại tổ 10, phường Thắng Lợi (T.P Sông Công).
Trước đó, ngày 4-9, bà Bích đến cơ sở bán thiết bị y tế của Công ty TNHH thiết bị y tế KAO Việt Nam tại tổ 1, phường Phố Cò để trị liệu. Tại đây, ông Kao Chuan Pao, sinh năm 1941, quốc tịch Đài Loan là Giám đốc Công ty đã sử dụng máy “xung điện” (không có nhãn hiệu) để trị liệu cho bà Bích. Sau 2 phút sử dụng máy, bà Bích bất tỉnh và được ông Pao cùng bà Đỗ Thị Quý Hằng (là phiên dịch của ông Pao) đưa đến Bệnh viện C Thái Nguyên cấp cứu. Tuy nhiên, khi vào đến viện thì bà Bích đã tử vong. Báo cáo số 2720, ngày 7-9-2020 của Sở Y tế nêu rõ: Tại Bệnh viện C Thái Nguyên, bà Bích được chẩn đoán nguyên nhân tử vong là do điện giật.
Vụ việc này đã “gióng” lên một hồi chuông cảnh báo cho các trường hợp đang sử dụng các loại máy “xung điện” không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng khi chưa nắm chắc các kiến thức liên quan để chăm sóc sức khỏe. Theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số cơ sở massage phục vụ nhu cầu trị liệu và chăm sóc sức khỏe của người dân. Khách hàng chủ yếu là người cao tuổi, có tiền sử mắc các bệnh về xương khớp, huyết áp cao, dạ dày… Khi đến đây, khách hàng được ngồi trải nghiệm máy miễn phí. Sau khi trải nghiệm, nếu có nhu cầu, khách hàng có thể đặt mua máy về sử dụng tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Bút, một người dân ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi bị nhiều bệnh như thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, đốt sống lưng; tràn dịch khớp gối… Vì thế, khi được bạn bè giới thiệu, tôi đã tìm đến một trung tâm massage trên đường Minh Cầu (T.P Thái Nguyên) để trị liệu.
Theo địa chỉ mà bà Bút cung cấp, chúng tôi đã tìm đến trung tâm trên trong vai người đi tìm hiểu mua máy xung điện. Tại đây, chúng tôi thấy lượng người đến trị liệu rất đông, chủ yếu là người lớn tuổi. Theo chia sẻ của một người tự nhận là quản lý Trung tâm thì ngoài cơ sở này, đơn vị còn có 1 cơ sở đặt tại đường Bến Oánh (T.P Thái Nguyên). Tuy mới hoạt động 2 năm nay, nhưng một ngày, mỗi cơ sở thu hút hơn 200 lượt người đến trải nghiệm, đa số là những người có vấn đề về xương khớp. Những người đến đây ngoài việc được trải nghiệm trị liệu bằng máy xung điện, còn được nhân viên hướng dẫn sử dụng máy, đồng thời, căn cứ vào triệu chứng bệnh, nhân viên ở đây sẽ chia sẻ về cách trị liệu bằng máy, thời gian trị liệu và phản ứng phục hồi. Theo quảng cáo của nhân viên, máy xung điện ở đây được nhập khẩu từ Hàn Quốc, có giá bán hơn 62 triệu đồng.
Vậy có thể thấy, việc sử dụng máy trị liệu, massage miễn phí tại các cơ sở, trung tâm massage thực ra là một hình thức quảng cáo và bán máy. Trao đổi với lãnh đạo Sở Y tế Thái Nguyên về vấn đề này, chúng tôi được biết theo quy định hiện hành, các cơ sở massage không phải làm hồ sơ, thủ tục xin cấp phép hoạt động. Do đó, công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở này trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số loại máy massage đang được giới thiệu bán cho người dân được quảng cáo quá mức so với tác dụng thực của máy.
Bởi vậy, ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo: Người dân khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là khi sử dụng các loại máy xung điện, massage thì nên tìm hiểu thật kỹ về nguồn gốc, xuất xứ, tính năng, tác dụng; cách sử dụng để đảm bảo an toàn… Ngoài ra, không nên sử dụng theo sự giới thiệu của người khác hay theo trào lưu mà cần có sự tư vấn của nhân viên y tế, người có chuyên môn trong lĩnh vực trị liệu…