Thành công nhờ “dân vận khéo”

09:45, 23/09/2020

Thời gian qua, nhờ vận dụng nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực mà phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ phong trào này, nhiều công trình, chương trình, dự án trên địa bàn huyện được triển khai theo đúng tiến độ đề ra, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ai từng đến xóm Lân Quan, xã Tân Long khoảng 5-6 năm trước chắc hẳn không thể quên được đoạn đường từ trung tâm xã vào xóm dài hơn 5km cheo leo, ngoằn ngoèo, lổn nhổn đất đá. Vậy nhưng, giờ đây lại khác, con đường ấy đã được đổ bê tông phẳng phiu, sạch sẽ. Đồng chí Lăng Viết Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long cho biết: Tuyến đường lên xóm Lân Quan là một trong hai tuyến đường (cùng với tuyến đường lên xóm Mỏ Ba) được tỉnh đầu tư theo Đề án 2037 (Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”). Để làm được con đường này, nhà thầu cũng như chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn, phần vì đồi núi hiểm trở khó thi công, phần là vì diện tích đất canh tác của bà con. 

Trước khó khăn trên, với trách nhiệm của mình, xã Tân Long đã thành lập Ban Giải phóng mặt bằng (Trưởng ban là đồng chí Chủ tịch xã, thành viên là đại diện các tổ chức hội, đoàn thể của xã), đồng thời chỉ đạo xóm Lân Quan thành lập Tổ Dân vận phối hợp để vận động nhân dân hiến đất. Xóm Lân Quan có 9 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thì 3 hộ không nhất trí hiến đất với lý do đất canh tác ít. Xã đã phối hợp với xóm đến từng hộ dân để vận động. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, xã đã cử cán bộ cùng với xóm không kể ngày đêm thường xuyên đến nhà các hộ dân vận động, phân tích mục đích, ý nghĩa của dự án. Sau gần 1 tháng tuyên truyền, bà con đã đồng thuận hiến đất và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Ông Trần Văn Hồ, Trưởng xóm Lân Quan chia sẻ: Để kịp bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, chúng tôi phải đi cả buổi tối, nhiều khi về đến nhà mà người ướt sũng vì gặp mưa. Sau gần 1 tháng tuyên truyền, bà con đã đồng thuận hiến 1,5ha đất các loại để làm đường.

Tương tự, công trình nhà văn hóa và đường giao thông ở xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến cũng là một điển hình của công tác dân vận khéo. Với gần 50% tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo nhưng nhờ phát huy được vai trò của dân vận mà trong vòng 2 năm liên tiếp, bà con trong xóm đã hiến hơn 2ha đất các loại làm đường liên xóm (chiều dài gần 3km, do UBND huyện Đồng Hỷ làm chủ đầu tư) và đóng góp hơn 600 triệu đồng (mỗi nhân khẩu 500.000 đồng) để làm nhà văn hóa.

Ông Triệu Văn Vinh, Trưởng xóm Mỏ Sắt cho biết: 99% người dân ở xóm là đồng bào dân tộc Dao. Đời sống của nhân dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp là chính nên còn gặp nhiều khó khăn, do đó, việc vận động nhân dân hiến đất, đối ứng tiền làm các công trình gần như không dễ. Tuy nhiên, với mỗi một chương trình, xóm có cách làm riêng. Cụ thể, chúng tôi thu tiền đóng góp đối ứng thành 2 lần để làm nhà văn hóa nhằm làm giảm gánh nặng đóng góp cho bà con. Còn với việc làm đường, phát huy tinh thần nêu gương,cán bộ đảng viên hiến đất trước là yếu tố để công tác vận động quần chúng ở xóm Mỏ Sắt đạt hiệu quả. Nhờ cách làm đó, công trình đường liên xóm Mỏ Sắt - Bãi Vàng và nhà văn hóa của xóm đã được khởi công theo kế hoạch, dự kiến đến cuối năm nay sẽ đưa vào sử dụng.

Nhờ làm tốt công tác dân vận nên khi thực hiện công trình, dự án trên địa bàn huyện đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng cao của người dân. Chỉ tính riêng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, huyện đã vận động nhân dân hiến 96ha đất các loại, đóng góp đối ứng hơn 500 tỷ đồng để xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: Những năm qua, hàng loạt công trình mới, việc khó ở cơ sở đã được hoàn thành xuất sắc, mang đậm dấu ấn của công tác dân vận. Đến nay, toàn huyện có 253 mô hình “Dân vận khéo”. Các mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để phong trào “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả, thời gian qua, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở thường xuyên được kiện toàn, đổi mới nội dung tuyên truyền theo hướng gần dân, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.