Thời gian qua, cùng với việc thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường các giải pháp quản lý nguồn chất thải công nghiệp để bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.500 trong tổng số 7.000 cơ sở sản xuất công nghiệp (hoạt động theo Luật Doanh nghiệp) phát sinh rác thải công nghiệp (RTCN). Trong đó, chất thải thông thường (phế liệu kim loại, xốp, gỗ, giẻ lau, phế liệu trong sản xuất dệt may, đất đá thải trong khai thác mỏ...) khoảng 1.175 tấn/ngày. Ngoài ra, trong hoạt động sản xuất công nghiệp cũng phát sinh khoảng 200 tấn/ngày chất thải nguy hại (năm 2019).
Để quản lý tốt RTCN, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, như: các chương trình, Đề án bảo vệ môi trường, tăng cường kiểm tra các hoạt động quản lý chất thải rắn theo quy định. Đồng thời, thu hút, tạo điều kiện đầu tư của các cấp, ngành đối với hoạt động xử lý. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 đơn vị xử lý RTCN được cấp phép, như: Công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới, Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Anh Đăng... Ngoài ra, có 21 đơn vị ngoại tỉnh đang hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp có nguồn ngốc trên địa bàn tỉnh... Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Mặc dù khối lượng RTCN gia tăng, nhưng công tác quản lý, thu gom, xử lý RTCN trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản đáp ứng và dần đi vào nền nếp, không để phát sinh điểm nóng.
Bên cạnh đó, hằng năm Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn theo kế hoạch và đột xuất; phối hợp với các cơ quan liên quan (Thanh tra Tổng cục Môi trường, Sở Công Thương) thực hiện thanh, kiểm tra việc quản lý chất thải. Phối hợp với Sở tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành nơi có cơ sở tiếp nhận nguồn thải từ Thái Nguyên nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý. Qua kiểm qua, cơ bản các doanh nghiệp, nhà máy thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường...
Đặc biệt, nhằm hoàn thiện, chính sách pháp luật, tỉnh đã thực hiện một số điều tra, đánh giá vấn đề quản lý chất thải và bảo vệ môi trường làm cơ sở ban hành các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án, quy định về bảo vệ môi trường. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành một số nội dung, như: Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Thái Nguyên cho phù hợp tình hình thực tế; hằng năm tổ chức tổng kết, đánh giá việc triển khai các chủ trương, chính sách của nhà nước trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm về quản lý chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thông tin, phối hợp với các tỉnh lân cận có liên quan nhằm tăng cường biện pháp quản lý chất thải rắn liên vùng, liên tỉnh.
Bà Hoàng Thị Liên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết: Mặc dù đã có chuyển biến rất lớn công tác quản lý, thu gom, xử lý RTCN nhưng vẫn còn một số cơ sở sản xuất kinh doanh có phát sinh RTCN, chất thải nguy hại nhưng không báo cáo; việc nắm và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường ở một số doanh nghiệp chưa nghiêm; một số ít đơn vị ý thức về bảo vệ môi trường chưa cao, còn hiện tượng chuyển giao cho các đơn vị không đủ năng lực để thu gom, vận chuyển... Vì vậy, công tác quản lý, xử lý RTCN vẫn cần tiếp tục được quan tâm. Trong đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các doanh nghiệp phát sinh nguồn thải và đơn vị thu gom xử lý là hết sức cần thiết.