Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của Dự án xây dựng công trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (gọi tắt là Dự án) triển khai trên địa bàn xã Đông Cao (T.X Phổ Yên) sẽ hoàn thành trong năm 2020. Thế nhưng, đến nay, tiến độ Dự án mới chỉ hoàn thành được 50%, nguyên nhân là do người dân địa phương đã tập trung chặn xe chở vật liệu xây dựng để ngăn cản việc thi công các hạng mục.
Xã Đông Cao hiện có hơn 1.800 hộ dân thuộc 20 xóm. Nhiều năm qua, người dân ở đây vẫn chưa được sử dụng nước sạch, vì thế, năm 2017, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (chủ đầu tư) đã triển khai thực hiện Dự án cấp nước sạch cho các hộ dân trên địa bàn xã. Dự án được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2020 để đáp ứng nhu cầu phục vụ sử dụng nước sạch cho hơn 500 hộ dân của các xóm Cò, Đồi, Sắn, Dỏ, Thượng Trại, Đông, Me, Dộc... Tuy nhiên, đến nay, Dự án vẫn còn nhiều dang dở.
Theo ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn: Dự án gồm 3 hạng mục: Khoan 3 giếng sâu 70m để lấy nước ngầm đặt tại các xóm: Cò, Trà Thị và An Phong, xây dựng 1 nhà máy xử lý nước sinh hoạt đặt tại xóm Cò để vận hành và cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các hạng mục đều chậm.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nguyên nhân xuất phát từ nhiều người dân của xóm Cò vẫn còn nhiều băn khoăn khi Dự án được triển khai. Ông Trần Văn Tuấn, người dân của xóm phản ánh: Chúng tôi rất lo lắng việc khoan giếng sâu 70m sẽ gây ra nguy cơ mất nguồn nước mặt, làm ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu, phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Còn bà Nguyễn Thị Trách cho biết thêm: “Việc khoan giếng và xây dựng nhà máy xử lý nước gần khu dân cư cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây sụt lún nhà cửa của người dân”. Từ suy nghĩ đó, người dân xóm Cò đã tập trung đông người để chặn xe chở vật liệu xây dựng, ngăn cản việc thi công các hạng mục của Dự án.
Trước thực trạng này, chính quyền địa phương các cấp đã cùng các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư Dự án tích cực tuyên truyền, giải thích bằng những căn cứ khoa học để thuyết phục người dân. Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn giải thích: Lưu lượng nước khai thác của giếng khoan để đáp ứng nhu cầu phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân chỉ vào khoảng 250m3/ngày đêm, trong khi đó lưu lượng của vùng có khả năng cung cấp tới 12.084m3/ngày đêm. Như vậy, nguồn nước khai thác rất nhỏ so với nguồn nước ngầm hiện có. Điều này sẽ không gây ảnh hưởng đến sụt lún, mất nước giếng khoan, giếng đào xung quanh của người dân. Còn đại diện UBND xã Đông Cao, ông Vũ Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã nói: Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với UBND T.X Phổ Yên, các cơ quan liên quan tổ chức 3 hội nghị gặp gỡ, đối thoại với người dân; đồng thời thành lập 4 tổ công tác để xuống tận các hộ dận vận động, tuyên truyền. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa đồng thuận cho Dự án tiếp tục triển khai. Trong thời gian tới, nếu người dân vẫn không phối hợp thì chúng tôi buộc phải tổ chức cưỡng chế để thực hiện Dự án.
Thực tế, thời gian gần đây, có thông tin dự án cung cấp nước sinh hoạt trong cả nước gây ra tình trạng sụt lún nhà cửa nên người dân ở xã Đông Cao cảm thấy lo lắng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với những căn cứ khoa học cùng với thực tiễn, nhiều dự án nước sạch tương tự được triển khai tại các địa phương lân cận phát huy hiệu quả mang lại thì người dân cũng nên tin tưởng, đồng thuận với cơ quan chức năng để triển khai thực hiện Dự án, phục vụ lợi ích của chính mình.